Giờ đây, hơn 13 năm sau khi ông Yasser Arafat qua đời, những người tham gia các vụ ám sát hụt ấy đã kể lại câu chuyện của họ, để lý giải vì sao họ thất bại.
Không phải ông Arafat mà là người em trai giống ông như đúc
Ra-đa trên những chiếc máy bay chiến đấu F-15 đã phát hiện một chiếc máy bay vận tải loại DHC-5 Buffalo ở tọa độ 370 dặm trong không phận Địa Trung Hải. Đoàn máy bay chiến đấu áp sát rất nhanh. Họ đọc được số hiệu trên đuôi máy bay, dấu hiệu mày xanh và nâu, tin rằng họ đã phát hiện được đúng chiếc máy bay cần tìm.
Một phi công nói vào máy bộ đàm: “Chúng ta có được phép tiếp cận mục tiêu không?”.
Đó là buổi chiều ngày 23.10.1982. Ở sâu trong lòng đất trung tâm thành phố Tel Aviv, bên trong căn hầm chỉ huy chính của binh chủng Không quân Israel, biệt danh là Canary, câu hỏi của viên phi công được phát trên loa. Mọi con mắt đều dồn về phía tướng David Ivry, chỉ huy Không quân, để chờ một mệnh lệnh khai hỏa. Ivry luôn là người quyết định, nhưng lần này ông đã do dự.
Ông biết rằng các phi công của mình có đầy đủ mọi thứ cần thiết và họ đã xác định được đối tượng. Chỉ cần ông nói “Cho phép”, các phi công F-15 sẽ ngay lập tức khai hỏa bắn hạ chiếc máy bay vận tải và thủ tiêu luôn vị hành khách trên đó: Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon. Nhiệm vụ của Ivry và các phi công là “tiêu diệt mục tiêu” hay là không chứ không phải lựa chọn mục tiêu. Sự nghi hoặc về đối tượng mục tiêu trên máy bay đã khiến Ivry chùn bước, và ông đã ra lệnh: “Không. Không được bắn”.
Chân dung nhà lãnh đạo Yasser Arafat.
Chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt nhà lãnh đạo Palestine, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat, đối thủ của Israel, đã được cơ quan tình báo MOSSAD phát động từ hôm trước.
Tsomet, đơn vị tuyển mộ và điều khiển chỉ điểm và điệp viên ở nước ngoài, nhận được tin mật báo của các chỉ điểm viên bên trong PLO rằng ngày hôm sau (23.10), ông Arafat sẽ cất cánh trên một chiếc máy bay tư nhân từ Athens đi Cairo.
Caesarea, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ám sát mục tiêu của MOSSAD, ngay lập tức phái 2 điệp viên đi thu thập thêm thông tin. Lợi dụng an ninh lỏng lẻo tại sân bay Athens, các điệp viên Israel đột nhập và ngồi đợi ông Arafat trong khu vực đậu máy bay tư nhân.
Trong khi đó, ông Sharon liên tục thúc ép tướng Rafael Eitan, Tham mưu trưởng Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF), tiến hành nhanh chiến dịch. Không quân đặt 2 chiếc F-15 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để cất cánh ngay lập tức từ căn cứ không quân Tel Nof.
Vì thận trọng, tướng Ivry đã đích thân dặn dò viên phi công trưởng “Không được khai hỏa nếu không có lệnh của tôi”. Ivry hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của nhiệm vụ. Sẽ rất tai hại nếu Israel bắn nhầm máy bay.
Vào lúc 2 giờ 5 phút chiều 23.10, một trong những điệp viên Caesarea ở Athens đã gọi điện về tổng hành dinh MOSSAD báo cáo “Ông ta ở đây. Xác định đúng mục tiêu”. Anh ta phấn khích, tiếp tục báo cáo thông tin về mục tiêu: nhà lãnh đạo PLO và đoàn tùy tùng lên chiếc máy bay vận tải DHC-5 Buffalo có đuôi sơn màu xanh có dấu màu nâu và số đăng ký 1169. MOSSAD chuyển thông tin cho bộ chỉ huy Canary.
Tuy nhiên, đối với tướng Ivry, chuyện này nghe có vẻ không hứng thú. Sau này, Ivry kể lại rằng do khi đó ông nhận thấy câu chuyện có cái gì đó không thuyết phục. Tại sao ông Arafat phải đi Cairo?
Theo thông tin tình báo Ivry có được thì thời điểm đó nhà lãnh đạo PLO không có việc gì để đến Cairo cả. Và nếu ông ấy thật sự đi Cairo, vậy thì tại sao lại đi chiếc máy bay vận tải như thế chứ? Ivry yêu cầu MOSSAD giải thích các thắc mắc của mình và một lần nữa các điệp viên Caesarea khẳng định chính xác là ông Arafat.
Ông Arafat ở Damascus năm 1970.
Vào 4 giờ 30 phút, các điệp viên báo cáo chiếc máy bay đã cất cánh. Tướng Ivry nhận lệnh chính thức từ Eitan qua điện thoại: “Bắn hạ nó đi”. Ivry ra lệnh cho các phi công F-15 cất cánh. Chẳng mấy chốc họ đã bắt được chiếc máy bay vận tải. Ivry vẫn còn nghi ngờ, cho nên ông yêu cầu MOSSAD xác nhận lại lần hai có chắc chắn đó là Arafat hay không, không được nhầm người nào đó trông giống ông ấy. Ivry hiếm khi thể hiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng như thế này.
Vì vậy, ông cần “câu giờ”. Eitan lại gọi điện thoại thúc ép thi hành mệnh lệnh bắn hạ chiếc máy bay, nhưng Ivry vẫn chần chừ, bảo rằng ông chưa nhận được sự xác nhận cuối cùng từ MOSSAD. Rồi điều Ivry mong đợi cũng đã đến: Vào 5 giờ kém 5 phút, điện thoại đường dây mật reo. Bên kia, MOSSAD thông báo đã có sự không chắc chắn.
Một nguồn thông tin khác của MOSSAD báo cáo lại rằng thời điểm đó ông Arafat không hề có mặt ở Hy Lạp, do đó người đi trên chiếc máy bay vận tải không thể là ông Arafat. Nửa tiếng sau, thêm thông tin từ Ban Giám đốc tình báo quân sự (AMAN) rằng người đi trên chiếc máy bay không phải ông Yasser Arafat mà là Fathi Arafat, người em trai giống ông như đúc. Fathi là nhà sáng lập Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine.
Đi cùng ông trên chiếc máy bay là 30 trẻ em Palestine đang bị thương trong một vụ thảm sát do các phiến quân Maronite Christian Phalange tiến hành tại 2 trại tị nạn Sabra và Shatila ở Liban. Ông Fathi Arafat đang đưa các cháu đi Cairo để điều trị vết thương. Tướng Ivry thở phào, ra lệnh cho các phi công “Về nhà thôi”.
Mục tiêu khó xơi
Câu chuyện xảy ra ngày 23.10.1982 nêu trên là một ví dụ điển hình của những khó khăn mà các cơ quan an ninh Israel luôn phải đối mặt trong cuộc chiến chống lại người Palestine. Trong cuộc chiến này, Yasser Arafat là trung tâm của mọi mối đe dọa về an ninh đối với Israel.
Không ai có thể khiến Israel bực tức và thất bại nhiều như ông Arafat. Ông là mục tiêu khó xơi nhất, cũng là người căm thù Israel nhiều nhất. Đôi lúc ông thoát nạn một cách tình cờ hay cố ý, nhưng cũng nhiều lúc chính các sĩ quan thi hành nhiệm vụ ám sát ông đã phải tự hủy sứ mệnh bởi vì họ không thể xác định rõ ràng, chính xác mục tiêu, vì khả năng tổn thất về sinh mạng dân thường nếu tấn công sai mục tiêu. Năm lần bảy lượt, Israel đã vồ hụt con mồi để rồi tiếc rẻ, hâm hực.
Trong những năm sau khi ông Arafat sáng lập ra Fatah, một tổ chức phong trào đấu tranh của PLO, vào năm 1959, MOSSAD đã xem ông và các chiến hữu của ông chỉ đơn thuần là những sinh viên, trí thức trẻ “hăng máu”. Đến năm 1965, khi Fatah tiến hành các hoạt động đấu tranh du kích vũ trang đầu tiên chống Israel, Rafi Eitan -trưởng điều hành các hoạt động của MOSSAD ở châu Âu - đã yêu cầu Giám đốc MOSSAD Meir Amit ra lệnh cho các điệp viên Caesarea đột nhập vào một căn hộ ông Arafat thuê làm cơ sở hoạt động ở Frankfurt, Đức, để giết ông.
Eitan đã nói với Amit rằng việc đó có thể thực hiện một cách dễ dàng vì “chúng ta có thể tiếp cận mục tiêu và cơ hội này có thể sẽ không đến lần thứ hai”. Thế nhưng Amit đã không nghe theo Eitan. Ông chỉ xem Arafat và các chiến hữu là một nhóm thanh niên “vô công rỗi nghề”.
Eitan than trách các lãnh đạo an ninh Israel thời đó đã không nghe ông. Nhưng cũng không thể trách ông Amit hay những lãnh đạo Israel khác, vì khi đó, Arafat chưa thể hiện là mối đe dọa an ninh lớn cho Israel.
Tướng David Ivry (trái) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon tại lễ khánh thành Căn cứ không quân Ramon năm 1982.
Tuy vậy, rốt cuộc thì suy nghĩ và thái độ của Eitan đã trở nên phổ biến trong cộng đồng tình báo Israel trong những năm sau đó. Nhiều người bắt đầu tin rằng giết chết nhà lãnh đạo PLO sẽ giải quyết xong toàn bộ vấn đề người Palestine.
“Israel phải đánh vào trái tim của tổ chức PLO” - Yehuda Arbel, chỉ huy Shin Bet ở Jerusalem và khu Bờ Tây sông Jordan thời điểm đó viết trong nhật ký. Và đây chính là việc mà Israel sẽ làm nhiều lần trong những năm sau. Đôi khi các nỗ lực ám sát ông Arafat có cả hoạt động quân sự đi kèm.
Ngay sau “Cuộc chiến tranh 6 ngày”, ông Arafat phát động một chiến dịch chiến tranh du kích từ Đông Jerusalem và khu Bờ Tây. Theo một tin mật báo, các binh sĩ Israel đã ập vào một ngôi nhà được cho là nơi ở của ông Arafat, nhưng họ đã chậm mất vài phút, Arafat đã kịp tẩu thoát, thức ăn vẫn còn ấm ở trên bàn. Một số lần, hoạt động ám sát ông Arafat có kế hoạch hành động bài bản.
Chẳng hạn, vào năm 1968, dựa theo kịch bản của bộ phim “Ứng viên đến từ Mãn Châu”, tình báo và an ninh Israel đã bỏ ra 3 tháng để “chuyển hóa” một tù nhân Palestine thành “cỗ máy giết người lập trình sẵn”. Chỉ trong 5 giờ sau khi ra tù để thực thi nhiệm vụ, anh này đi thẳng đến đồn cảnh sát địa phương, nộp lại khẩu súng ngắn và giải thích rằng tình báo Israel đã “tẩy não” anh ta thành sát thủ đi giết Arafat.
Gia tăng mến mộ
Những câu chuyện thất bại như thế không chỉ gây cho Israel nhiều bối rối, mà còn làm gia tăng uy tín của ông Arafat, giúp ông ngày càng được nhiều người dân Palestine mến mộ hơn.
Không chỉ được người dân quý mến, Arafat cũng bắt đầu có thêm nhiều bạn bè quyền lực mạnh trên thế giới. Lãnh đạo CHDC Đức Erich Honecker đã xem Arafat như một nhà cách mạng thực thụ giống như lãnh tụ Cuba Fidel Castro, và ông chỉ đạo tình báo CHDC Đức đã cung cấp cho người Palestine thông tin tình báo cũng như vũ khí chiến đấu. Trong khi đó, CIA cũng đã cài người theo dõi Arafat thông qua một “cửa sau”.
Gần cuối thập niên 1970, Arafat trở nên “không thể đụng tới”. ông trở thành một nguyên thủ quốc gia trên thực tế, với sự ủng hộ rộng rãi của người dân Palestine cũng như nhiều nơi trên thế giới. vì vậy, việc tiếp cận ám sát ông đã trở nên điều không thể thực hiện. Nó có thể tạo ra một sự kiện chấn động phá hỏng thông lệ ngoại giao quốc tế. Người Israel nghiến răng chịu đựng.
Đến năm 1979, Israel và PLO bắt đầu một kiểu chiến tranh “ăn miếng trả miếng” qua lại lẫn nhau. Và rồi một vụ giết người đã xảy ra khiến cho tình hình căng thẳng leo thang. Ngày 22.4.1979, một nhóm 4 thành viên Mặt trận Giải phóng Palestine, một nhánh thuộc PLO, đã dùng thuyền hơi bơi vào bãi biển thành phố Nahariya, cách biên giới Nam Liban chừng 6 dặm.
Samir Kuntar, 1 trong 4 thành viên nhóm, khi ấy chỉ mới 16 tuổi. Sau khi tìm cách đột nhập vào một ngôi nhà bất thành và giết chết một cảnh sát, cả nhóm đã đột nhập vào một căn hộ khác bắt cóc Danny Haran và đứa con gái 4 tuổi làm con tin. Cả nhóm kéo hai cha con ra bãi biển, cảnh sát và quân đội Israel đã phục kích sẵn tại đó nhưng không nổ súng.
Thế rồi Kuntar đã sát hại 2 người bị bắt cóc trước sự chứng kiến của quân đội và cảnh sát Israel. Vụ việc nhanh chóng trở thành cột mốc làm thay đổi chiến thuật chiến tranh của IDF đối với người Palestine, và đặc biệt là Arafat.
(Còn nữa)
An Tôn (An ninh thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.