PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh
Nguyễn Thịnh
Thứ tư, ngày 05/06/2024 20:25 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định, việc chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới.
Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện.
Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Tại Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu NetZero vào năm 2050" do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Tạp chí Việt Đức, NatureWord tổ chức chiều 5/6, các chuyên gia, nhà quản lý đã có những chia sẻ, thảo luận về 3 chủ đề chính là chuyển đổi xanh, năng lượng xanh và tín dụng xanh.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định: "Trong thời gian vừa qua, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện liên quan tới việc chống biến đổi khí hậu. Các nội dung này nằm trong chủ đề chung của ngày bảo vệ môi trường thế giới. Mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng, hướng tới chuyển đổi xanh, bảo vệ thiên nhiên…
Việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy việc chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển việc này được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường".
Tại phần thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Trần Minh Hoàng - Chuyên gia tài chính bền vững – Phòng định chế tài chính ngân hàng VP Bank cho hay:
"Ngân hàng có những nguồn vốn, có những hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên việc hỗ trợ này phải được thẩm định và đánh giá một cách cụ thể và có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu được đặt ra… Việc phát triển bền vững vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo môi trường là vấn đề Việt Nam đã cam kết và bắt buộc phải làm".
Trong khi đó, ông Phạm Hoài Trung, Trưởng Ban vận động Netzero 2050 Ứng phó biến đổi khí hậu, cho rằng trong bước đường hướng đến Netzero 2050, trung hòa carbon là việc không thể bỏ qua. Và muốn trung hòa carbon, chúng ta phải trải qua các bước như kiểm kê và khai báo khí nhà kính, lập các dự án tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, xác định dấu chân carbon sản phẩm và trung hòa carbon.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế "nâu" sang nền kinh tế "xanh" với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.