PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "Chân dài cặp đại gia là chuyện rất bình thường"
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 30/03/2022 06:08 AM (GMT+7)
Chuyện "chân dài cặp đại gia" không có gì sai. Đó là chuyện rất bình thường. Các cô gái cũng không đáng bị lên án, nếu có thì sự lên án đó nên dành cho những mối quan hệ bất chính hay cánh đàn ông vi phạm Luật Hôn nhân gia đình...
Trong những năm gần đây, nhiều lùm xùm tình ái liên quan đến mối quan hệ của những người đàn ông giàu có và các cô gái xinh đẹp đã xảy ra. Ngay như tuần trước là thông tin nữ ca sĩ H.H được đồn đoán cặp bồ với đại gia H.N.. Rồi mới đây, một cô gái tố bị Chủ tịch HĐQT một bệnh viện đồng thời trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội cưỡng bức tình dục. Có ý kiến cho rằng nguồn cơn của sự việc là do những người phụ nữ xinh đẹp, lại cũng có ý kiến cho rằng lỗi từ phía đàn ông hoặc do cả hai.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện “chân dài cặp với đại gia” trong cuộc sống hiện đại?
- Tôi cho rằng trong xã hội, trai tài, gái sắc thích nhau là rất bình thường. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng "có lợi". Không thể nói các cô gái "ăn bám" cánh đại gia vì có khi chính các vị mới là người tìm tới các cô gái để lợi dụng, tìm kiếm tình dục, thỏa mãn thói ăn chơi trác táng.
Mọi người cũng không nên nhìn vào vị thế của người đàn ông và cho rằng cứ giàu có mới ăn chơi, gái gú. Thực tế, xã hội cũng có đầy người dù không giàu vẫn nằm trong số đó.
Giờ quan điểm về tình yêu cũng khác hơn nhiều, nó không chỉ là tình yêu vợ chồng, son trẻ phải đúng chuẩn mực, phải xứng đáng với nhau. Tình yêu có nhiều cung bậc, sắc thái. Vì thế tôi cho rằng những chuyện như phóng viên vừa đề cập là bình thường, chẳng có gì đáng lên án cả. Nó cũng không gây hệ lụy gì cho xã hội. Đó là vấn đề của cá nhân, cá thể trong cộng đồng, hãy để cá thể tự điều chỉnh. Còn nếu phải lên án thì chỉ có thể lên án mấy ông đã có vợ mà vẫn chơi bời, như vậy là vi phạm luật hôn nhân gia đình.
Câu chuyện về một ca sĩ xinh đẹp có mối quan hệ với một đại gia gần đây đang được dư luận quan tâm. Nếu áp với quan điểm “đôi bên cùng có lợi” như ông vừa đề cập thì ông thấy sao, liệu đây có phải là xu hướng...?
- Tôi không khẳng định đây là xu hướng, nhưng rõ ràng nó là chuyện bình thường trong xã hội, không có gì là khác lạ. Cũng như câu chuyện "anh hùng đứng cạnh gái thuyền quyên", những người đàn ông giỏi giang, giàu có vẫn thích đứng cạnh những cô gái trẻ đẹp. Tôi nghĩ mọi người cũng không cần phải xôn xao vì thực tế mọi thứ lâu nay đã diễn ra như vậy, không có gì mới mẻ.
Mối quan hệ chân dài - đại gia có tiềm ẩn phức tạp?
- Tôi cho rằng, nếu câu chuyện PV vừa đề cập là có thực, thì pháp luật cần vào cuộc lên tiếng. Nhưng mọi người cũng không thể suy diễn vì "chân dài cặp đại gia" mà xảy ra câu chuyện đó.
Thực tế, chuyện "hết yêu đòi quà" vẫn diễn ra từ lâu nay và cũng khá phổ biến. Không loại trừ trong cuộc tình của họ có những âm mưu xấu. Khi yêu, người ta có thể làm mọi thứ cho nhau. Khi hết yêu, người văn minh thì chấp nhận dừng lại trong êm đẹp, người không văn mình thì có thể làm loạn.
Còn về câu chuyện của cô cựu hoa khôi trường ĐH Ngoại thương với Chủ tịch HĐQT một bệnh viện ở Hà Nội thì tôi chưa rõ tính xác thực của vụ việc thế nào nên không thể bình luận. Thế nhưng xã hội phức tạp, mọi thứ đều có thể xảy ra. Vì thế, nếu các mối quan hệ diễn biến theo chiều hướng xấu không như mong đợi thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Người nào sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Trong nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến “chân dài – đại gia”, có vẻ như phụ nữ bị nhìn nhận khắt khe hơn, thậm chí còn bị đổ lỗi là căn nguyên của vấn đề. Điều này có phải xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không, thưa ông?
- Như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta nên nhìn nhận nó như là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Không nên nhìn nhận vấn đề một cách quá khắt khe, cũng không cần nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn thoáng hơn. Điều mà tôi mong muốn là mọi người hãy nhìn nhận đúng bản chất câu chuyện.
Trước nay, có một số người có quan điểm chỉ đổ lỗi cho những người phụ nữ khi bước vào mối quan hệ "tay ba" nhưng thực tế không phải vậy. Chuyện đổ lỗi cho phụ nữ không đơn thuần chỉ là do xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" mà nó còn xuất phát từ góc nhìn phiến diện, từ sự ghen tuông của chính những người phụ nữ với nhau.
Muốn từ bỏ tư tưởng ấy chỉ còn cách là chúng ta tập làm quen với những câu chuyện rất "đời" trong cuộc sống này. Cuộc sống luôn vận động đủ cung bậc, sắc thái. Nên nhìn nhận nó theo nhiều hướng khác nhau, không nên chỉ đổ lỗi cho 1 người trong mối quan hệ đó.
Ông có chia sẻ nào dành cho những người trẻ khi bước vào các mối quan hệ phức tạp như thế này?
- Nếu phải nói gì đó với người trẻ thì tôi vẫn muốn nói với các bạn rằng nên duy trì một góc nhìn, lối sống tích cực. Lựa chọn một tình yêu chân chính, phù hợp. Nếu không thể, hoặc lựa chọn sai thì chấp nhận và chịu trách nhiệm với nó. Nên ứng xử lành mạnh chứ đừng "hết yêu đòi quà". Yêu đương là vấn đề cá nhân, không nên để ảnh hưởng tới gia đình hay cộng đồng.
Riêng với những người khi bước vào mối quan hệ phức tạp thì nên lường trước những vấn đề có thể xảy ra để khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn thì không bị sốc và có cách để bảo vệ bản thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.