Phá cuộc mít tinh của Việt gian

Thứ sáu, ngày 17/08/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phóng viên NTNN đã gặp đại tá Đào Văn Xuân- nguyên Đội trưởng Đội Tự vệ chiến đấu Hà Nội và được nghe nhiều câu chuyện về những tháng ngày hào hùng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8.1945.
Bình luận 0

Kế hoạch phá mít tinh

Một ngày tháng 6.1945, Lê Chiêu - chỉ huy Đội Tự vệ của Hà Nội (giờ là thiếu tướng, đã nghỉ hưu) đến nhà tôi ( số 10 Hàng Khoai, Hà Nội) bàn việc huy động đội tự vệ chiến đấu do tôi chỉ huy, phối hợp với một đội tự vệ khác phá cuộc mít tinh của bọn Đại Việt sắp tổ chức tại vườn Bách Thảo, vạch mặt chúng làm tay sai cho phát xít Nhật. Toàn đội của tôi còn rất trẻ, riêng tôi là đội trưởng chỉ mới 17 tuổi. Là những thanh niên, công nhân, học sinh Hà Nội, chúng tôi đi theo cách mạng, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nhưng tất cả đều sẵn sàng, đều hừng hực ngọn lửa cách mạng và lòng căm thù địch.

img
Phát động Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 tại Hà Nội.

Đội tự vệ chiến đấu của tôi có 5 thành viên, trong đó có 3 là công nhân và 2 học sinh trung học, đi tới khu Tám Mái (nay là phố Kim Mã). Tôi được giới thiệu với 2 anh Nguyễn Văn Tý và Lam Ngọc, người của đội tự vệ bạn, lực lượng trực tiếp phối hợp với chúng tôi trong trận này (sau này tôi mới biết các anh là lực lượng tự vệ chiến đấu ở Yên Phụ). Chúng tôi nhất trí tập trung quân ở khu vực đối diện với kỳ đài (Núi Nùng), nơi thuận lợi cho nhiều hướng rút lui khi cần thiết.

Theo kế hoạch, các đội viên phân tán, đi lẫn vào những người tham dự mít tinh. Tôi ở vòng ngoài, được giới thiệu với một chú bé người nhỏ nhắn, quần áo lem luốc (sau này tôi mới biết lúc ấy chú là thợ sắp chữ nhà in). Chú bé đeo một thùng bánh rán có hai ngăn, ngăn trên để bánh, ngăn dưới để 6 khẩu súng ngắn. Tuân thủ nguyên tắc bí mật, tôi và chú bé chỉ chào nhau và bàn công việc, chẳng ai hỏi tên và chỗ ở của nhau. Tôi đi ra vườn Bách Thảo, chú bé theo sau, vừa đi vừa rao: "Ai bánh rán nóng đây!". Tiếng rao của chú bé lúc gần, lúc xa luôn báo hiệu cho tôi: Em vẫn theo anh đây.

Tôi phác nhanh trong đầu kế hoạch hành động để khi phải nổ súng, chú bé được an toàn. Tôi dặn chú: "Em bán quanh quẩn gần anh nhé, khi anh cần lấy súng thì đặt thùng bánh xuống đất và chạy đi nơi khác". Chú bé đáp gọn: "Vâng", rồi đứng trú mưa dưới gốc cây xà cừ, thỉnh thoảng lại rao: "Ai bánh rán đây!".

Cuộc gặp sau 40 năm

Tôi đứng lên một mô đất cao để các đội viên dễ trông thấy. Các đội viên đã tản mát hết vào đám đông. Một tên Đại Việt bước ra nói gì đó trước máy phóng thanh. Bỗng một thanh niên từ đám đông chạy vọt ra, ngang qua trước kỳ đài, tay tung truyền đơn, miệng hô: "Đả đảo Việt gian!", "Đả đảo phát xít Nhật!", "Ủng hộ Việt Minh!". Các đồng đội của tôi theo kế hoạch, chen lấn trong đám đông, gây rối loạn và nói to: "Bà còn ơi, về đi thôi, đánh nhau mất rồi". Riêng tôi, vì để các bạn thấy rõ ám hiệu hành động (cởi áo mưa đen là "rút") nên vẫn đứng nguyên ở mô đất cao, miệng hô to: "Đả đảo phát xít Nhật!". Gần đây, ở gốc xà cừ, chú bé bán bánh vẫn rao: "Ai bánh rán đây". Trong thùng là 6 khẩu súng để nếu cần chúng tôi sẽ nổ súng.

Cuộc mít tinh rối loạn hoàn toàn… Mọi người nhốn nháo kéo nhau ra về. Trên kỳ đài, bọn quan khách ngơ ngác, lũ tay sai và bọn lính Bảo An thì ngẩn tò te.

Cuộc mít tinh rối loạn hoàn toàn… Mọi người nhốn nháo kéo nhau ra về. Trên kỳ đài, bọn quan khách ngơ ngác, lũ tay sai và bọn lính Bảo An thì ngẩn tò te.

Tôi cởi chiếc áo mưa màu đen ra để làm ám hiệu "rút". Sau đó mới nhớ ra là không phổ biến trước cho chú bé ám hiệu này, vì vậy chú vẫn rao: "Ai bánh rán đây". Tôi nhanh trí hô to: "Mít tinh tan rồi, còn bánh rán gì nữa". Quả nhiên chú không rao nữa, lặng lẽ biến nhanh vào đám đông. Tôi cũng rút và không khỏi lo lắng cho chú.

Từ đó tôi không gặp lại chú bé bán bánh rán lần nào... Bốn mươi năm sau, ngày 28.8.1985, trong buổi lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng 8 tổ chức tại Hà Nội, đồng thời là cuộc gặp mặt của các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và đội viên Tự vệ chiến đấu đã tham gia Tổng khởi nghĩa ngày 19.8.1945, rất bất ngờ tôi được gặp lại chú bé bán bánh rán năm xưa.

Trong cuộc họp, một người có tên là Mùi (55 tuổi) - cán bộ ngành y nghỉ hưu (hiện ở căn hộ số 12 phố Lý Văn Phúc) đã kể chuyện những ngày gần tổng khởi nghĩa. Hồi ấy, ông mới 15 tuổi, tham gia phá cuộc mít tinh của bọn Đại Việt, với vai một chú bé bán bánh rán. Ông kể: Tôi luôn bám sát một đội trưởng tự vệ trẻ, đến khi cuộc mít tinh bị phá vỡ, ngơ ngác không biết đã rút được chưa thì anh đội trưởng nói to: "Mít tinh tan rồi, ai còn ăn bánh rán, về thôi". Ông bùi ngùi: "Chẳng biết anh đội trưởng ấy có còn không, đang ở đâu".

Anh Mùi vừa dứt lời, tôi không nén được xúc động, lao đến nắm tay, nói như đứt hơi: "Tôi đây, tôi đây, người mặc áo mưa đen đây". Chú bé bán bánh rán năm xưa tròn xoe mắt nhìn tôi giây lát, rồi dang rộng cánh tay. Chúng tôi ôm lấy nhau, siết chặt vòng tay. Mùi nói với tôi: "Hôm ấy, từ chỗ mít tinh tôi về đến đầu chợ Ngọc Hà, gặp lúc bọn Nhật chặn người khám xét, tôi lo quá. Nếu quay lại chúng có thể sẽ sinh nghi, đành đứng lại, lợi dụng lúc chúng đang khám những người lớn, lủi ra sau lưng chúng, thế là thoát". Tôi lặng yên nghe tiếng vọng từ 40 năm trước: "Ai bánh rán nóng đây”.

Bài 2: Đối đầu với xe tăng Nhật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem