Phá trại cai nghiện: 82% sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 09/11/2016 14:05 PM (GMT+7)
Đánh giá nguyên nhân học viên cai nghiện ở Trung tâm Phú Xuyên (Đồng Nai) trốn trại nhiều lần, ngày 9.11, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, các trung tâm đều quá tải, dẫn đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt không đảm bảo. Hơn nữa có tới 80-82% học viên nghiện ma túy đá nên dễ kích động.
Bình luận 0

Theo ông Đàm, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các học viên trốn trại. Trước hết là do cơ sở vật chất nơi hỗ trợ điều trị cũng như tiếp nhận tạm thời cho các học viên còn chưa đồng bộ. Nhiều trung tâm quá cũ, xuống cấp. Hơn nữa các trung tâm này lại thường xuyên quá tải. Ví dụ như Trung tâm Cai nghiện Phú Xuyên (Đồng Nai) có sức chứa khoảng 800 học viên nhưng lại tiếp nhận khoảng 1.500 người. Điều này khiến cho tình hình ăn uống, sinh hoạt không được đảm bảo, học viên trở nên bức xúc. Đặc biệt, hiện nay, đối tượng nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng lên quá nhanh. Có đến 80-82% trong số những người nghiện được đưa vào trung tâm là sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Các đối tượng này thường xuyên gặp phải các ảo giác, bị hoang tưởng và dễ bị kích động.

img

Học viên trung tâm cai nghiện trốn trại nhiều lần gây mất trật tự an ninh xã hội (Ảnh IT)

“Trước đây cũng từng xảy ra các vụ trốn trại, nhưng học viên chỉ đập phá, trốn trại đơn thuần, nhưng nay học viên nghiện ma túy đá còn có hành vi nguy hiểm hơn như còn leo lên cả cây cối, leo lên cột điện, leo lên mái nhà… la hét kích động làm mất an ninh trật tự ở các khu vực lân cận”, ông Đàm nói.

Ngoài những nguyên trên, thì theo ông Đàm việc phân loại đối tượng nghiện cũng rất quan trọng. Việc các đối tượng vẫn còn gia đình mà lại bị xếp vào đối tượng không có nơi cư trú ổn định, không đưa họ về địa phương để chấp hành xử phạt theo vi phạm hành chính mà giữ họ lại ở trung tâm khi số lượng này quá lớn sẽ gây nên tình trạng quá tải và chuyện học viên trốn trại, đập phá như ở Trung tâm Phú Xuyên thời gian gần đây là chuyện không thể tránh khỏi.

Hiện nay Bộ LĐTBXH cũng đã có chỉ đạo các trung tâm, thực hiện sàng lọc kỹ, với những đối tượng mới nghiện, nếu có gia đình thì tạo điều kiện cho họ được cai nghiện tại cộng đồng để không làm mất cơ hội học hành và việc làm của anh em. Sau khi sàng lọc, đối tượng nào cần cai nghiện bắt buộc thì phải sắp xếp nơi ăn ở cho phù hợp với các học viên, tránh việc bị các học viên kích động, lôi kéo để trốn trại.

Ông Đàm cho biết, thực trạng tiếp nhận hỗ trợ cho người cai nghiện còn nhiều bất cập. Lúc đầu xác định việc tiếp nhận cai nghiện ở cộng đồng, giao cho các tổ chức xã hội hỗ trợ họ trong thời gian lập hồ sơ, nhưng thực tiễn không có cơ sở hay tổ chức xã hội nào đảm nhận được. Chính vì vậy, Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí các trung tâm tiếp nhận họ sau đó mới lập hồ sơ để xem học viên sẽ chọn cai nghiện bắt buộc hay cai nghiện tự do. Tuy nhiên, trong thời gian này thì do chưa được tư vấn cẩn thận nên nhiều học viên nghĩ rằng mình đã bị bắt vào cải tạo và cai nghiện bắt buộc thế nên mới bức xúc và có hành động chống đối.

Trước đó, chiều 7.11, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có chuyến thị sát cơ sở cai nghiện Đồng Nai đóng ở huyện Xuân Lộc để động viên các học viên, cũng như làm việc trung tâm khắc phục. Ông Dung cũng cho rằng, trung tâm đã bị xuống cấp, quá tải trầm trọng.

                                                                                                

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem