Phải xử bằng pháp luật với bạo hành tinh thần

Thứ hai, ngày 21/11/2011 19:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên tiếp những vụ sử dụng bạo lực đã diễn ra trong thời gian qua mà đỉnh điểm là vụ một người chồng bắt vợ, và cả mẹ vợ xem clip “nóng”.
Bình luận 0
img
 

Trao đổi với phóng viên NTNN, nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, đây là một hành vi "bạo hành tinh thần", nghiêm trọng đến mức tội ác.

Ông nói:

Những hành vi bạo hành tinh thần dù không mang thương tích trên cơ thể, cũng không khám nghiệm được, nhưng phải được xử lý bằng pháp luật để nó không còn cơ hội gây ra những tội ác với hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tại Vĩnh Phúc, vừa xảy ra câu chuyện bạo hành xôn xao dư luận, tình tiết rất đáng chú ý là người chồng (một người có tới 2 bằng đại học và làm nhân sự cho một công ty liên doanh lớn) bắt vợ, thậm chí bắt mẹ vợ xem đoạn phim “nóng” của mình. Vì sao những hành vi bạo hành gia đình ngày càng kỳ cục và tàn nhẫn như vậy, thưa ông?

- Trước tiên phải nói là bạo hành gia đình không hiếm ở Việt Nam. Riêng trong vụ bạo hành ở Vĩnh Phúc, tôi thấy bao gồm cả bạo hành thể xác và bạo hành tinh thần. Những bức ảnh về người vợ bị đánh đập dã man là một bằng chứng bạo hành thể xác khiến dư luận xúc động và căm phẫn.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh bạo hành tinh thần trong vụ này. Việc bắt vợ, rồi mẹ vợ quỳ để xem video chồng ăn nằm với người khác là hành vi mất hết tính người, coi vợ như súc vật mà không thể bao biện bằng bất cứ lý do nào.

Báo chí nhấn mạnh đến yếu tố người chồng có 2 bằng đại học, rồi thì làm công tác nhân sự cho một công ty liên doanh lớn, nhưng học thức và vị trí xã hội trong nhiều trường hợp hoàn toàn không có ý nghĩa trong những vụ đánh ghen.

Chính tôi đã từng chứng kiến những vụ đày đọa khủng khiếp. Đó là khi người chồng, là hiệu trưởng một trường học, bắt người vợ- cũng là một giáo viên, phải viết "bản kiểm điểm" dài hàng nghìn chữ, viết đi viết lại, chép đi chép lại đến hàng chục lần.

Rồi có một ông giám đốc khác thì bắt vợ khai ra chuyện ngoại tình, ghi âm, rồi cứ đến bữa cơm là mở ra bắt vợ phải nghe. Vụ này gây hậu quả nặng nề đến nỗi người vợ sau đó mắc bệnh tâm thần.

img
Chị Lê Thị Lý bị chồng là Nguyễn Tiến Thịnh (Vĩnh Phúc) hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.

Những hành vi bạo hành tinh thần này hoàn toàn có thể gọi là tra tấn. Tôi có cảm giác khi văn hóa không theo kịp sự phát triển của kinh tế- xã hội thì các hành vi bạo hành ngày càng phi nhân tính hơn bởi văn hóa trong ứng xử hoàn toàn khác với trình độ văn hóa.

Trong cuốn sách gây tranh cãi "Sát thủ đầu mưng mủ" có câu "Hận đời cắt tóc đi tu/Nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn". Rồi sau vụ án thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang, trên mạng xuất hiện cả những bài hát về Lê Văn Luyện, ông bình luận gì về cách nói, cách nghĩ và những hành động bạo lực trong học đường của giới trẻ hiện nay?

- Tôi nghĩ những câu thành ngữ trong cuốn sách trước hết bắt nguồn từ những thực tế cuộc sống. Chẳng hạn có câu "Ác ôn vùng nông thôn" chẳng hạn. Có lẽ thành ngữ đó bắt nguồn từ những vụ rào làng cấm trai lạ vào tán gái, thậm chí cắt tai những anh chàng "vượt rào" ở Hà Tây mấy năm trước, hoặc gần đây là những vụ đánh đến chết những tên trộm chó ở miền Trung. Rất nhiều các vụ người ta trừng trị kẻ vi phạm bằng một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn nhiều.

Trẻ con ngày nay thông minh hơn rất nhiều và những thông tin xã hội không tốt tràn ngập trên báo chí, Internet và cuộc sống hàng ngày đã ảnh hưởng đến chúng. Tôi cho rằng những gì thể hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của lớp trẻ, những người mà chúng ta thường gọi là thế hệ @ bây giờ rất đáng để người lớn suy nghĩ. Bởi những điều nói ra đang thể hiện những gì chúng biết, có thể là những điều chúng nghĩ nữa, mà từ suy nghĩ đến hành động thực ra không có khoảng cách.

SGK vừa mới sửa chuyện “Tấm Cám” bằng cách bỏ đi đoạn kết trả thù bằng hình thức giội nước sôi, làm mắm gửi mẹ ghẻ vì cho rằng nó quá tàn bạo. Ông thấy rằng cần phải sửa cái kết, loại bỏ toàn bộ câu chuyện ra khỏi SGK hay giữ nguyên và phân tích để học sinh tự nhận thức?

- Trong quá trình nghiên cứu tâm lý, tôi rất để ý đến câu chuyện "cắt tóc bôi vôi" mà suốt một thời kỳ dài người ta đem áp dụng cho những người phụ nữ được xem là lăng loàn, cướp chồng hoặc ngoại tình. Đây là một thứ lệ làng bị chi phối bởi lối nghĩ, cách hành xử của con người trong một nền văn hóa tiểu nông với đặc tính là cổ hủ và bảo thủ, không một xã hội văn minh nào còn chấp nhận.

Câu chuyện cái kết chuyện “Tấm Cám” có lẽ cũng vậy thôi. Đến một lúc nào đó, nhận thức xã hội đủ để thấy rằng câu chuyện cần phải được thay đổi. Trẻ con ngày nay không thể hiểu tại sao cô Tấm dịu hiền lại có thể tàn ác đến như thế. Chúng không thể và có quyền không thể hiểu những nguyên nhân xã hội của một "ngày xửa ngày xưa" nào đó.

Trong thực tế, rất nhiều hành vi bạo lực tinh thần, thậm chí nó nghiêm trọng đến mức độ tội ác, trong khi đó, những người thực thi pháp luật hầu như chỉ quan tâm đến những vết thương ngoài da.

Và trong các cuộc tranh luận hiện nay, tôi cho là người lớn không nên nghĩ thay cho học sinh, cho trẻ con về nhận thức của chúng đối với cái kết câu chuyện. Chúng ta nói nguyên nhân bạo lực trong xã hội có phần từ phim ảnh đen, game bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta lại đang bảo vệ cái ác trong sách giáo khoa. Điều đó là không công bằng.

Ý kiến của riêng tôi là nên thay đổi cái kết tàn bạo đó, cũng như xã hội văn minh bây giờ đã loại trừ lối đối xử “cắt tóc bôi vôi” phi nhân tính.

"Văn hóa tiểu nông" vẫn đang chi phối cách chúng ta nhìn nhận về những hành vi bạo lực, thưa ông?

- Nó trước hết chi phối hành vi bạo lực. Có vô số những trường hợp thực tế người chồng cho rằng mình có quyền "xử lý" vợ. Chẳng hạn có một trường hợp bạo hành tình dục mà người chồng thực ra đã dùng tình dục để tra tấn vợ trong suốt 1 tháng. Dư luận xã hội, từ văn hóa tiểu nông, nặng nề đến mức người vợ không dám nhờ pháp luật bảo vệ.

Còn sự nhìn nhận, tôi xin kể một câu chuyện xảy ra ở một trường học, ở ngay thủ đô. Đó là vụ một học sinh có hành vi tát cô giáo trước lớp. Khi vị chủ tịch công đoàn của trường ra báo công an, người công an hỏi: "Có thương tích gì không?". Vị chủ tịch công đoàn, cũng là một nhà giáo đã không giữ nổi bình tĩnh, ông chỉ tay vào ngực bên trái của mình mà đáp rằng: "Thương tích ở đây này".

Bạo hành tinh thần mà lại hỏi có thương tích gì không! Trong thực tế, rất nhiều hành vi bạo lực, thậm chí nó nghiêm trọng đến mức độ tội ác, không mang thương tích trên cơ thể, cũng không khám nghiệm được, nhưng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Trong khi đó, những người thực thi pháp luật hầu như chỉ quan tâm đến những vết thương ngoài da.

Chẳng hạn trong vụ người chồng nhốt vợ trong chuồng chó, đã hoàn toàn không xử lý gì ngoài việc gọi ra xã cảnh cáo. Bạo lực nhỏ không được xử lý rốt ráo thì ắt hẳn sẽ làm nảy sinh những bạo lực man rợ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem