(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Ngày 13.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014.
Chỉ thị nêu rõ để giải quyết các khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, chủ động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền Biển Đông trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục bám sát các nội dung Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thực hiện đầy đủ, có kết quả các giải pháp đã nêu, trong đó tập trung vào các nội dung điều hành đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Các cơ quan, đơn vị chủ động nắm tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và thu, chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới, chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh. Trên cơ sở đó, phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 8-10%.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giảm dần số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Các bộ, cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, thuế và hải quan, đất đai, bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động... tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện quyền và trách nhiệm đối với Nhà nước...
Chỉ thị cũng nêu rõ về việc tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.