Phận đời sau cánh cửa trại cai nghiện: Khát khao con chữ và mái ấm

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 23/11/2018 06:30 AM (GMT+7)
Tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương, hiện tại vẫn có những người không biết chữ. Chỉ tới khi họ dính vào con đường nghiện ngập, rồi đi cai nghiện, thì họ mới được tiếp xúc với cái chữ để hoàn thiện cuộc đời...
Bình luận 0

Ngoan mà vẫn nghiện

Lớp học xóa mù chữ được Trung tâm cai nghiện tỉnh Hải Dương mở có 14 học viên đang theo học. Tất cả đều được phát hiện không biết chữ khi vào đây cai nghiện. Trong số họ, tôi phát hiện có những người rất ngoan ngoãn, có hiếu, nhưng họ bị mắc nghiện một cách vô thức.

img

img

img

Một chương trình giao lưu văn nghệ của các học viên tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương.  Ảnh: G.T

Cả một buổi sáng, tôi đã trò chuyện với học viên Đinh Hữu Thưởng (SN 1994, nhà ở huyện Bình Giang, Hải Dương). Em cho tôi xem quyển vở tập viết và khoe đã viết được chữ Thưởng rồi và mừng rớt nước mắt. Thưởng là con út trong nhà có 3 anh chị em, anh trai và chị gái đã xây dựng gia đình.

Khi Thưởng 3 tuổi, bố đi làm thợ xây ở Hà Nội và lấy thêm vợ trên đó. Nhà có 4 mẹ con, Thưởng không được đi học, từ khi 6 tuổi đã đi mò cua bắt ốc. Đến năm 12 tuổi, Thưởng đi đánh giấy ráp thuê cho các xưởng mộc với tiền công 10.000 đồng/ngày. Đến năm 14 tuổi, Thưởng ra Hải Phòng làm phụ xây. "Các chú trong phường xây thấy em có năng khiếu, biết làm, đã cho em tập xây. 18 tuổi em đã là thợ với lương 270.000 đồng/ngày” - Thưởng kể.

Năm 19 tuổi, Thưởng để dành được 200 triệu đồng. Sẵn tay nghề thợ xây giỏi, Thưởng về xây cho mẹ một căn nhà kiên cố 50m2 hai tầng. Xây nhà xong, Thưởng tiếp tục đi làm thợ và bị bạn bè rủ chơi ma túy đá. Lúc đó, Thưởng không biết ma túy là gì, chỉ thấy nói sử dụng xong là rất vui. Nhưng sau vài lần đập đá, Thưởng chính thức bị ngáo, không làm chủ được hành động, không đi xây được nữa. Mẹ Thưởng phải đưa cậu con trai út hiếu thảo vào trung tâm cai nghiện.

Thưởng chia sẻ: “Tháng nào mẹ em cũng xuống thăm. Em vào đây được 6 tháng rồi, bây giờ hoàn toàn khỏe mạnh, công việc hàng ngày của em là quét xưởng làm hương và tra dầu vào máy, hàng ngày học nội quy sinh hoạt, mỗi tuần đến lớp xóa mù chữ một lần”.

Khi vào trung tâm cai nghiện, học viên Nguyễn Văn Triệu (35 tuổi, quê Bình Giang, Hải Dương) cũng không biết chữ. Khi Triệu 3 tuổi thì bố mất, mẹ đã đưa Triệu từ Hải Dương vào huyện Ea Ka, Đăk Lăk. Hai mẹ con cứ lầm lũi đi làm thuê. Khi Triệu 20 tuổi, hai mẹ con  mua được rẫy để trồng mía. Năm 31 tuổi,  Triệu lấy vợ và có một cậu con trai. Nói về việc không biết chữ của mình, Triệu luôn thấy thiệt thòi: “Khi hai mẹ con em bán rẫy ở trong Đăk Lăk để về Hải Dương, giá thỏa thuận là 280 triệu đồng, nhưng người mua chỉ mới đưa 140 triệu đồng nói là tiền đặt cọc, rồi yêu cầu 2 mẹ con Triệu điểm chỉ vào. Khi họ lấy đất, mẹ con em đòi tiền, thì người mua mang ra xã với tờ giấy xác nhận em và mẹ đã nhận đủ tiền. Thế là mẹ con em ngậm quả đắng về quê”.

Gia cảnh khó khăn, vợ Triệu không chịu nổi, ôm con về nhà ngoại. Triệu lên Lạng Sơn làm bánh bao thuê. Thấy Triệu hiền lành, chịu khó làm việc, lại hay tủi thân và không biết chữ, ông chủ lò bánh cho Triệu dùng ma túy để... vui vẻ. Khoảng 1 năm sau thì Triệu lệ thuộc vào ma túy. Không chịu nổi nữa, Triệu về quê, tìm đến thăm và mua sữa, đưa tiền cho con trai, rồi  nhờ người cậu viết đơn đưa mình vào trung tâm cai nghiện.

Ở trung tâm, Triệu là một trong những học viên chấp hành nội quy tốt nhất. Vào lớp xóa mù chữ, bây giờ việc học chữ của Triệu tiến bộ từng ngày.

Thèm một gia đình

Trong những người mà chúng tôi tiếp xúc ở Trung tâm cai nghiện Hải Dương, trường hợp của Đỗ Thị Vân (29 tuổi) có lẽ là buồn nhất. Vân là cô gái có chút nhan sắc, nhưng sinh ra cô đã không biết bố mình là ai. Vân không biết chữ. 13 tuổi, Vân đã sử dụng ma túy thành thạo. Vân tâm sự: “Cuộc sống của em là những tháng ngày cặp kè với những kẻ buôn bán ma túy. Chúng lợi dụng thân xác em, còn em thì lợi dụng họ để được chơi ma túy”.

Đây là lần thứ 2 Vân vào trung tâm cai nghiện theo diện bắt buộc. Lần đầu, Vân ở Trung tâm 4 năm, về được hơn 1 năm lại bị bắt buộc quay lại. Vân chia sẻ: “Cả hai lần đi cai nghiện, em là người hiếm hoi không được ai đến thăm, không được gửi một đồng tiền sinh hoạt nào, toàn phải nhờ chị em cùng lớp cưu mang”.

Vào trung tâm cai nghiện lần thứ 2 Vân mới được học chữ. Em bắt đầu nghĩ về những ngày tháng tương lai. Vân mong muốn khi được về nhà sẽ có một chỗ ngồi để bán nước, hay đi làm thuê bằng sức lao động của mình. Vân tâm sự: “Trước kia em không biết chữ thì còn mặc cảm, nhưng bây giờ em biết chữ rồi, dám đi làm thuê rồi. Nhưng em vẫn ước có một người đàn ông nào đó, bỏ qua hoàn cảnh và quá khứ của em, để em được làm vợ, có đứa con”.

Trong những học viên mà chúng tôi tiếp xúc, Dư Anh Phong (SN 1977, nhà ở TP.Hải Dương) là người chất chứa nhiều tâm tư. Phong vốn là một học sinh giỏi, năm 1995 Phong đỗ vào khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, Phong đi làm ở Công ty Xăng dầu Hải Phòng 6 năm với mức thu nhập khá cao. Nhưng, ma túy đã tước đi tất cả tuổi trẻ, cuộc sống và tình yêu của anh.

Phong kể: "Năm 1995 tôi lên Hà Nội học, lúc đó “bão heroin” hoành hành. Tôi thuộc lớp thanh niên hứng bão. Tính ra đã hơn 20 năm dính đến ma túy. Bây giờ đầu đã hai thứ tóc mà mình chẳng có gì, tiền bạc không, sức khỏe yếu, trong mắt  người thân thì mình là thằng nghiện, hay nói dối mọi người để có tiền hút hít. Mà buồn nữa là chưa bao giờ có người con gái nào chịu yêu mình”.

Ở Trung tâm, Phong đang làm lớp phó lớp phục hồi tích cực, hàng ngày đôn đốc các học viên trong lớp và trong xưởng làm vàng mã. Chia tay, Phong nói với tôi: “Chắc đây là lần cuối của cuộc đời thôi. Mẹ đã hơn 70 tuổi đang ngóng về, các chị gái cũng chỉ còn chút niềm tin ít ỏi. Nên quyết tâm phải bỏ ma túy bằng được, về kiếm một nghề nào đó để mưu sinh, rồi tìm người nào thông cảm để lấy làm vợ, cả hai cùng phụng dưỡng mẹ già”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem