Phần mềm cấp biển số ô tô, xe máy nhiều kẽ hở

Thứ bảy, ngày 04/12/2010 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phần mềm cấp biển số ôtô, xe máy tự động có đủ độ tin cậy và đảm bảo khách quan? Có hay không tiêu cực trong việc cấp biển số xe? Những thắc mắc bấy lâu bước đầu được cơ quan chức năng làm rõ.
Bình luận 0

Trước đó, Bộ Công an nhận được đơn thư tố cáo, cho rằng chương trình cấp phát tự động biển số ôtô, xe máy qua máy tính không đảm bảo tính bảo mật, có nhiều phần mềm giả đang được lưu hành sử dụng.

Đặc biệt, phần mềm trên không phải do Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C26, nay là C67) trực tiếp xây dựng mà là sản phẩm của một công ty ngoài ngành là Công ty cổ phần Phần mềm Softend (Công ty Softend). Do vậy, tính bảo mật của phần mềm không cao, dễ bị lợi dụng để nảy sinh tiêu cực trong việc cấp biển số.

img
Chủ xe liệu có phải chi tiền cho những biển số đẹp này?

Sau quá trình xác minh, cơ quan chức năng khẳng định, đây đúng là phần mềm do Công ty Softend xây dựng và tồn tại nhiều kẽ hở. Công ty Softend xây dựng chương trình chọn biển số ngẫu nhiên trên máy vi tính, sau đó chuyển giao bản Demo (bản thử nghiệm) và mã nguồn cho Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam (Đội trưởng Đội 2, Phòng 1, Cục C67).

Đáng chú ý, Công ty Softend lại là Công ty do bố Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam là cổ đông chính. Từ phiên bản Demo trên, ông Nam biên soạn, viết lại thành chương trình của C67.

Theo cơ quan chức năng, sau quá trình sử dụng, phần mềm chọn biển số xe C67 đang sử dụng có ít nhất 5 điểm sơ hở. Đơn cử, phần mềm không yêu cầu nhập đầy đủ thông tin, như địa chỉ, chủ sở hữu, số máy, số khung… mà vẫn cho phép sinh số biển. Do đó trong cơ sở dữ liệu của phần mềm thể hiện nhiều biển số đã cấp nhưng không có địa chỉ chủ sở hữu nên không thể dùng làm tài liệu để truy nguyên chủ sở hữu xe khi cần thiết.

Quan trọng nhất, nhật ký chương trình không thể hiện chi tiết. Nhật ký này chỉ ghi thời gian đăng nhập của người dùng mà không thể hiện nội dung cán bộ này đã thao tác, sửa chữa dữ liệu gì, đã cấp biển số nào. Đó chính là kẽ hở để cán bộ chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe có thể lợi dụng, hợp thức hóa việc cấp biển số sai quy định mà hoàn toàn không để lại dấu vết.

Cơ quan chức năng cũng bước đầu làm rõ, trong quá trình triển khai, chương trình chọn biển số tự động phải nâng cấp 3 lần và Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam là người duy nhất được giao quản lý mật mã chương trình. Ông Nam cũng là người tự cài đặt một số thông tin quảng cáo như địa chỉ, số điện thoại Công ty Softend, tên lập trình viên để bán nút bấm chọn biển số cho công an các địa phương.

Việc giao “độc quyền” cho một cá nhân như trên, theo cơ quan chức năng, là thiếu minh bạch, tạo kẽ hở để CBCS lợi dụng đặc quyền phục vụ mục đích cá nhân. Theo cơ quan chức năng, để xảy ra thực trạng trên, ngoài Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam phải chịu trách nhiệm chính, lãnh đạo C67 và lãnh đạo Phòng 1 cũng có trách nhiệm liên đới.

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên Dân Việt, liên quan đến sai phạm, Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam vừa phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem