Pháp: Tất cả bộ trưởng phải kê khai tài sản

Thứ năm, ngày 25/04/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Luật cũng sẽ buộc các nghị sĩ kê khai tài sản. Thủ tướng Jean-Marc Ayrault tuyên bố việc các bộ trưởng công khai tài sản là một phần trong các biện pháp minh bạch tài chính.
Bình luận 0
img
Cahuzac khi còn là bộ trưởng của Tổng thống Hollande (phải)

Văn phòng thủ tướng nêu: các biện pháp này nhằm trừng phạt nghiêm khắc hơn những đối tượng vi phạm luật tài chính, những quy tắc đạo đức và sự liêm chính, cũng như tăng cường cuộc chiến chống gian lận và trốn thuế”.

“Đạo đức hóa” công chức

Tổng thống Francois Hollande khẳng định sẽ là sai nếu kết luận tất cả các chính khách đều gian lận, nhưng cần có biện pháp mạnh để “đạo đức hóa” cuộc sống công chức. Một đơn vị công tố “với quyền đặc biệt” sẽ được lập để giám sát khoản tài chính của các công chức, điều tra nguy cơ gian lận thuế từ chuyện làm ăn riêng từ trước và sau khi họ được chọn làm bộ trưởng.

Các công chức sẽ bị cấm “làm thêm từ bên ngoài” như làm việc cho các công ty dược phẩm. Ông cũng tuyên bố các biện pháp chống tham nhũng mới, gồm cấm “làm quan” đối với bất kỳ chính khách nào phạm tội trốn thuế.

Nhiều bộ trưởng đã công bố tài sản. Nữ Bộ trưởng Văn hóa Aurélie Filipetti khai có một căn hộ 70m2 ở Paris và một áo đấu của danh thủ bóng đá David Beckham.

Bộ trưởng Công nghệ Arnaud Montebourg cho biết ông cùng mẹ làm chủ nhiều căn hộ và một chiếc ghế cổ mua giá 4.000 euro.

Bộ trưởng Nhà ở Marisol Touraine nói bà thuộc diện chịu thuế đánh lên giới nhà giàu vì có số tài sản khoảng 1,4 triệu euro nhờ bán được nhiều lô đất.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon khai nhà ông có giá khoảng 650.000 euro, chưa tới 100.000 euro trong nhiều tài khoản ngân hàng và hai chiếc xe cũ.

Nhưng ông chỉ trích việc Tổng thống Hollande buộc các nghị sĩ kê khai tài sản là “gây mất uy tín của tất cả các chính khách dân cử, chỉ nhằm rủ bỏ các trách nhiệm của ông ấy.

Dự luật này hẳn chĩa mùi dùi vào Cahuzac, người từng là bác sĩ tim mạch và giải phẫu thẩm mỹ giàu có, từng bị tố cáo nhận hối lộ từ các công ty dược phẩm khi làm cố vấn cho Bộ Y tế. Cahuzac đã phải từ chức Bộ trưởng Ngân sách ngày 19.3.2013 nhưng vẫn khẳng định sự trong sạch, khi các công tố viên chính thức mở cuộc điều tra.

Nhưng đến ngày 2.4, ông ta đột ngột thú nhận sở hữu một tài khoản ngân hàng có 600.000 euro (770.000USD) ở Thụy Sỹ, và đã liên tục nói dối trên tivi và trước quốc hội. Cahuzac nói xin tha tội nói dối: “Tôi đã đấu tranh quyết liệt nhằm có thể nói hết sự thật. Tôi đã bị kẹt trong nhiều lần nói dối và tự lừa chính mình”.

Ông cho biết đã gặp 2 quan tòa và xác nhận có số tiền cất giấu đã được chuyển qua Singapore và vẫn còn ở đó và ông sẽ chóng liên lạc để thu hồi số tiền này về Pháp. Cahuzac đã bị điều tra hình sự, có thể sẽ phải nộp phạt 375.000 euro và ngồi tù 5 năm vì tội “rửa tiền từ gian lận thuế”. Ở Pháp không xử tội khai man trước quốc hội.

Vụ gian lận của Cahuzac bùng lên hồi tháng 12.2012, khi báo điều tra điện tử Mediapart công bố thông tin Cahuzac giấu tài khoản ở ngân hàng USB tại Geneva suốt 20 năm cho đến năm 2010, và ông đã bay đến Thụy Sỹ để đóng tài khoản này rồi chuyển số tiền qua Singapore, ngay trước khi ông được chọn làm chủ nhiệm tiểu ban tài chính ở Quốc hội Pháp hồi tháng 2.2010.

Thông tin ông Cahuzac có tài khoản bí mật không khai báo chính quyền đã gây xôn xao trong thời gian nghỉ lễ Noel và Tết “Tây”. Điều trớ trêu là lúc đó, Cazuhac muốn điều tra các công dân Pháp giấu tiền vào ngân hàng USB và không khai báo. Lúc đó, ông công bố các biện pháp “thu thêm” tiền cho ngân sách, gồm cách nâng mức phạt 60% tính trên số thu nhập ở nước ngoài không khai thuế của bất kỳ công dân nào bị thanh tra thuế phát hiện.

Mediapart đã đặt dấu hỏi về “đạo đức công bộc và sự gương mẫu của một vị bộ trưởng” của Cahuzac. Họ đề nghị có một cuộc điều tra do một thẩm phán độc lập đứng đầu. Nhưng khi ấy, Phủ tổng thống Pháp và Thủ tướng Ayrault khẳng định vẫn hoàn toàn tin tưởng Cahuzac 60 tuổi, người đã đâm đơn kiện Mediapart về tội vu khống và phủ nhận các cáo buộc.

Trước khi Quốc hội Pháp nghỉ phiên họp hồi giữa tháng 12 qua, ông giải trình: “Tôi không bao giờ có tài khoản ngân hàng bí mật ở nước ngoài”. Ông nói sẽ không từ chức, và ông muốn gặp Mediapart để “nói chuyện cho ra nhẽ”, chứ báo này chưa chịu công bố tài liệu nào để củng cố “cáo buộc điên rồ của họ”. Ông đòi họ phải chứng minh cáo buộc là có cơ sở “và họ sẽ khó có thể làm thế”.

Lúc đó, Đảng Xã hội cũng khẳng định: chưa có bằng chứng rõ ràng về tài khoản ngân hàng của ông Cahuzac ở Thụy Sỹ, và những “cáo buộc rỗng tuếch chống lại vị bộ trưởng là không đáng tin cậy”.

“Ông Sạch” nói dối cả nước

Chính quyền Tổng thống Hollande chỉ mới thành lập được 11 tháng đã vướng tai tiếng Cahuzac. Ông Hollande trúng cử tổng thống nhờ “lá bài” siết chặt thuế trên các “thiên đàng thuế” nhằm buộc giới tài chính toàn cầu hơn, cũng như tăng mức thuế thu nhập đánh lên giới nhà giàu nhằm “ép” họ “chia sẻ” nhiều hơn trong việc phục hồi nền kinh tế Pháp bị suy thoái nặng.

Những người giàu có đem tiền ra nước ngoài gửi đã bị chỉ trích là “không yêu nước” do họ rời khỏi Pháp, ra nước ngoài sinh sống và nộp thuế ở đó. Ở vai trò bộ trưởng, Cahuzac giữ vai trò đầu tàu trong cuộc “săn” những người trốn đóng thuế nên đã được gọi là “ông sạch”.

Hiện “ông sạch” 60 tuổi trở thành “vô sản”, nhiều đêm phải ngủ trong xe. Trả lời phỏng vấn của báo La Dépêche du Midi ở Toulouse, ông nói “cứ hai ngày tôi phải đổi địa chỉ một lần để thoát sự chú ý của báo giới”. Khi được hỏi về tương lai, ông nói chưa thể tưởng tượng được gì, nhưng cũng may là còn vài người bạn thủy chung”.

Ngày 3.4, Tổng thống Hollande khẩn cấp lên tivi, cho biết ông cảm thấy vô cùng “sửng sốt và tức giận”, sau khi biết tin Cahuzac “nhận tội”. Ông vung nắm đấm khẳng định sẽ điều tra rõ ngọn ngành vụ này, nhấn mạnh đó là “một sai lầm không thể tha thứ”, vì Cahuzac lừa dối cả quốc gia.

Ông khẳng định chính phủ không hề “bao che” Cahuzac, người đã bị ông cách chức và Cahuzac cũng bị khai trừ khỏi Đảng Xã hội. Nhưng các nghị sĩ đối lập đòi quốc hội mở cuộc điều tra và chỉ trích tổng thống “bao che” Cahuzac suốt 4 tháng qua.

Thủ lĩnh Đảng Bảo thủ UMP Jean-Francois Cope nói: “Một là Hollande chẳng biết gì và đó là điều nghiêm trọng vì nó có nghĩa ông ta ngây thơ, hai là ông ta biết thì nó có nghĩa nói dối nhân dân”. Coppe nhấn mạnh: “Ai dám tin tổng thống và Thủ tướng Ayrault không biết gì?”.

Phe này còn đòi Ayrault và Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici cùng toàn bộ chính phủ từ chức, vì Moscovici lợi dụng cơ quan để toan “gỡ oan” cho Cahuzac trước khi cuộc điều tra tư pháp bắt đầu. Nhưng Moscovici nói: “Nếu quý vị muốn kết tội ai, quý vị đã gõ lầm cửa” và cho biết đã hỏi Cahuzac khoảng 50 lần nhưng “ông ấy kịch liệt chối và nhìn thẳng vào mắt tôi”. Moscovici nói ông chỉ có mỗi một sai phạm là “quá tin tưởng đồng chí”, và kể khi Hollande hỏi, Cahuzac vẫn chối tội. Thủ tướng Ayrault khẳng định Đảng Xã hội không bao giờ can thiệp vào các cuộc điều tra.

Gần đây, ông Hollande nói “cần xóa bỏ mọi thiên đường thuế trên thế giới”, khi ông trình một dự luật nhằm chống tham nhũng và gian lận tài chính: các ngân hàng Pháp phải kê khai bất kỳ khoản lãi nào ở nước ngoài mỗi năm, như một phần chủ trương tăng cường minh bạch. Ông Hollande nói: “Tôi sẽ không lưỡng lự đánh giá là thiên đường thuế đối với quốc gia nào từ chối hợp tác đầy đủ với Pháp”, và các ngân hàng sẽ phải giải thích công khai về bản chất hoạt động của họ: “Nói cách khác, một ngân hàng sẽ không thể che giấu những vụ chuyển khoản được thực hiện tại một thiên đàng thuế”.

Ông cũng hứa sẽ dẫn đầu “một cuộc chinh phạt” trên toàn cõi EU chống lại các thiên đàng thuế, gồm các đơn vị mới để điều tra những khoản tài chính riêng tư của các chính khách và sẽ truy tìm những vụ gian lận thuế.

Hẳn ông Hollande muốn bào chữa, sau khi tổ chức Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ, trụ sở ở Washington, Mỹ) công bố báo cáo những nhà giàu giấu tài sản ở các thiên đàng thuế, trong đó nêu thủ quỹ Đảng Xã hội Jean-Jacques Augier thừa nhận có hai cổ phần ở các công ty ở đảo Cayman Islands. Augier từng là thủ quỹ cho cuộc tranh cử tổng thống hồi năm 2012 của ông Hollande, nói với báo Le Monde rằng “chẳng làm gì sai trái”, khẳng định ông không có tài khoản cá nhân nào ở Caymans cũng như không có khoản đầu tư trực tiếp nào ở đó.

Ông chỉ đầu tư vào hai công ty, trong đó có một liên doanh với các doanh nhân Trung Quốc. Khi được hỏi về cổ phần thứ hai ở Caymans (lập năm 2008-2009 sau đó chuyển qua Hong Kong trong cuộc khủng hoảng tài chính khiến các nước G20 tuyên chiến với các “thiên đàng thuế”), Augier chỉ nói: “Có thể tôi thiếu cẩn trọng”, rồi nhấn mạnh các hoạt động làm ăn của ông đều hợp pháp, khai thuế đầy đủ.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem