Pháp tê liệt trong bạo động

Thứ sáu, ngày 22/10/2010 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua, cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí đã biến thành bạo động dữ dội trên khắp nước Pháp, làm tê liệt sân bay, kho nhiên liệu dự trữ và hoạt động giao thông. Trong khi đó, Chính phủ vẫn kiên quyết không khoan nhượng.
Bình luận 0

AFP cho biết, cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp với hơn 3,5 triệu người tham gia đã bước sang ngày thứ 11 (21-10) và ngày càng mãnh liệt. Biểu tình đã biến thành bạo động khi hàng trăm sinh viên và thanh niên Pháp xuống đường và đụng độ với cảnh sát cơ động. 

img
Cảnh sát trấn áp người biểu tình tại Marseille bằng hơi cay

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về phía sân bay thành phố Marseille và phong tỏa cảng hàng không được xem là bận rộn nhất nước Pháp. Một số đơn vị cảnh sát chống bạo động đã được điều động để giải vây cho sân bay Marseille, song mọi nỗ lực đều bị làn sóng biểu tình dập tắt.

Thành phố Lyon, nơi vốn nổi tiếng lịch lãm, đã biến thành điểm nóng của bạo động khi các đám thanh niên ở đây đổ ra đường cướp bóc, đốt phá xe và đụng độ với cảnh sát. Trước đó, tại Thủ đô Paris, khoảng 4.000 người đã đổ xuống đường với khẩu hiệu chống dự luật cải cách hưu trí sắp được Quốc hội Pháp thông qua.

Một cuộc thăm dò dư luận do cơ quan thăm dò BVA công bố ngày 20-10 cho thấy, có gần 60% số người lao động Pháp ủng hộ tiếp tục tiến hành bãi công nếu Thượng viện thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí gây tranh cãi.

Tính đến ngày 21-10, ít nhất 16.000 người đã bị bắt giữ vì có hành động quá khích. Số liệu thống kê của Chính phủ Pháp cho biết, khoảng hơn ¼ số kho chứa nhiên liệu của nước này đã cạn kiệt, do người biểu tình bao vây, phong tỏa các nhà máy lọc dầu trong suốt 11 ngày qua.

Cuộc bạo động không chỉ khiến giá xăng dầu của Pháp tăng lên mức kỷ lục kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hồi năm 2008, mà còn đẩy giá nhiên liệu thế giới chạm mức “đỉnh” sau nhiều phiên giảm giá.

Bất chấp tình trạng căng thẳng hiện nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố, ông đã ra lệnh “cưỡng chế giải tỏa” toàn bộ người biểu tình đang tập trung bên ngoài các kho dự trữ xăng dầu trên toàn nước Pháp; đồng thời khẳng định dự án cải cách về hưu trí sẽ được thông qua và thực hiện.

Tuyên bố của ông Sarkozy cho thấy, chính quyền Pháp vẫn tỏ thái độ cứng rắn, mà bằng chứng là hàng tiểu đoàn cảnh sát cơ động được vũ trang vòi rồng, hơi cay và đạn cao su đã làm tan rã vòng phong tỏa của người biểu tình tại 3 kho dự trữ nhiên liệu lớn trong tổng số 12.500 kho xăng dầu các loại trên toàn nước Pháp.

Tình trạng thiếu nhiên liệu cung cấp cho các hoạt động kinh tế và đời sống do ảnh hưởng bởi các cuộc đình công và biểu tình kéo dài đã buộc nhà chức trách Pháp phải nhập một khối lượng lớn nhiên liệu. Tổng thống Sarkozy cảnh báo rằng, làn sóng bãi công, biểu tình kéo dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem