“Phát canh thu tô” trá hình ở Đồng Tháp Mười

Thứ tư, ngày 14/07/2010 12:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một doanh nghiệp được UBND tỉnh Long An “giao không” hơn 1.000ha đất lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Không có khả năng sản xuất, doanh nghiệp này cho gần 600 hộ nông dân nghèo thuê lại và dùng mọi cách để o ép nông dân...
Bình luận 0

Bức xúc trước tình trạng trên, một nông dân ở Nông trường Đồng Tháp 1 (huyện biên giới Tân Hưng, Long An) viết thư gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Bức thư kể lại nỗi thống khổ của người dân khi bị dồn vào chân tường vì nạn “phát canh thu tô” trá hình và mong được Bộ trưởng quan tâm giải cứu...

Bức thư đầy nước mắt

Bản sao lá thư này kèm đơn kêu cứu có chữ ký của hàng chục người dân được gửi đến báo NTNN. Dưới đây là nội dung bức thư:

Kính thưa ông Bộ trưởng

Tôi tên Phan Thị Phới, sinh năm 1959 hiện ngụ tại ấp gò Chuối, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An.

Tôi xin phản ánh đến ông một vấn đề liên quan đến gần 600 hộ nông dân và 1.000ha đất nông nghiệp. Nếu ông Bộ trưởng thấy có điều gì đó không bình thường kính mong ông cho xác minh rõ vụ việc và chỉ đạo thực hiện cho đúng.

Từ năm 1995 đến nay UBND tỉnh Long An giao hơn 1.000ha đất lúa cho một doanh nghiệp, doanh nghiệp này cho chúng tôi thuê lại. Ban đầu giá cho thuê chỉ hơn 100kg/ha/năm cộng với thuế nông nghiệp hơn 400kg/ha/năm. Vì sao khi nhà nước miễn thuế nhưng doanh nghiệp vẫn giữ giá thuê từ 410 - 750kg/ha/năm?

Kính thưa ông Bộ trưởng, chúng tôi là dân nghèo vùng biên giới, vùng khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Tại sao nhà nước lại giao hàng ngàn ha đất nông nghiệp cho một doanh nghiệp không có khả năng sản xuất để doanh nghiệp cho nông dân thuê lại; mà nhà nước không giao hoặc cho nông dân thuê trực tiếp? Việc làm này vừa thất thu ngân sách, vừa làm bần cùng hóa người dân. Trong khi nông dân làm lúa lợi nhuận thấp, có khi thua lỗ, nhiều người chịu không nổi phải trả lại đất cho doanh nghiệp rồi đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Tôi đại diện cho hàng trăm nông dân đang thuê đất sản xuất của doanh nghiệp tha thiết mong Bộ trưởng kiểm tra lại phần đất mà doanh nghiệp đang quản lý, có biện pháp giúp đỡ dân nghèo chúng tôi có cuộc sống ổn định góp phần xây dựng đất nước.

Trong khi chờ đợi sự kiểm tra xem xét giải quyết của Bộ trưởng, xin nhận nơi đây lòng biết ơn của dân nghèo chúng tôi.

Hưng Điền ngày 14 tháng 6 năm 2010

Người viết thư: Phan Thị Phới

 img
Cảnh nghèo của nông dân trong vùng “phát canh thu tô” trá hình.

Hành trình khai hoang

Cách đây 20 năm, bà Phới cùng những nông dân nghèo tỉnh Đồng Tháp trôi dạt về vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An sinh sống. Dù lúc này Long An có chủ trương “lấp kín Đồng Tháp Mười” nhưng quy định chỉ cấp đất hoang cho dân có hộ khẩu tại địa phương nên bà Phới và hàng trăm nông dân Đồng Tháp nằm ngoài diện ưu tiên được cấp. Không đất sản xuất, nông dân Đồng Tháp quanh năm chỉ biết đi làm thuê để đong lúa sống qua ngày. Mùa nước lũ, họ lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ kiếm thêm con tôm, con cá cải thiện cuộc sống.

Không có nhân sự sản xuất, cũng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Công ty Đồng Tháp 1 vẫn “giao khoán” đất cho hàng trăm nông dân nghèo. Nhận ruộng để canh tác, người dân phải bỏ rất nhiều công sức, tiền của để cải tạo đất đai và trả tiền thuê khoán cho công ty hàng năm.

Năm 1988, Nông trường Gò Gòn (xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng) giải thể, UBND tỉnh giao hơn 1.000ha đất của Nông trường cho Đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp 1 (nay là Công ty TNHH một thành viên Đồng Tháp 1) quản lý. Khi tiếp nhận vùng đất này, số diện tích đưa vào sản xuất chỉ chiếm hơn 30% tổng diện tích. Số còn lại là đất hoang hóa và dày đặc bom mìn, cỏ mai dương, công ty cho nông dân nghèo thuê.

Theo hợp đồng giao khoán ký vào năm 1995, nông dân được canh tác đến năm 2015 là kết thúc. Mỗi năm người dân đóng cho Công ty 534kg lúa/ha. Trong số này, thuế nông nghiệp (công ty thu hộ nhà nước) là 420kg, phí quản lý là 57kg...

Đùng một cái, năm 2007 ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc Công ty yêu cầu người dân phải ký lại hợp đồng, rút ngắn thời gian đến 2013, đồng thời phí quản lý tăng lên 400 - 750kg/ha/năm. Thấy hợp đồng mới quá bất lợi, nhiều nông dân nhất quyết không chịu ký. Để tạo sức ép, ngay trong vụ hè thu năm 2008 ông Vũ Ngọc Bần ký thông báo số 22 đình chỉ sản xuất đối với hàng loạt hộ nông dân chưa ký hợp đồng giao khoán mới.

Nhiều người dân kể lại, do cảnh nhà quá nghèo nên bà Phan Thị Phới đánh liều ra ruộng sạ lúa. Ngay lập tức, gần chục vệ sĩ do công ty thuê nhảy xuống ruộng định lôi bà lên bờ, không cho xuống giống. Quá bức xúc, cả trăm người dân quăng cuốc, thuổng xông tới đòi ăn thua đủ với nhóm vệ sĩ. Bị dân bao vây, nhóm vệ sĩ xuống nước năn nỉ, sau đó họ cam kết nếu ông Bần có thuê họ cũng không làm…

Từ thời điểm này, công ty liên tục thông báo… đình chỉ sản xuất đối với các nông dân. Nhiều gia đình trước đây đã nghèo, nay lại đối diện với cảnh bị mời lên mời xuống, hăm dọa lấy lại đất sản xuất. Với nhiều gia đình nông dân nghèo, doanh nghiệp không cho trồng lúa đồng nghĩa với cái đói hiển hiện trước mắt…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem