Ngày 30/10, nguồn tin từ một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết đang tiến hành các bước để xử lý 10 nhân viên trong các cơ sở y tế của tỉnh sử dụng bằng cấp giả và không hợp pháp. Lãnh đạo này cũng cho biết, UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc này. Hiện, Sở Y tế đang giao cho các đơn vị liên quan thực hiện.
10 trường hợp trong ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã dùng bằng cấp giả để làm việc.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cùng công an một số tỉnh, thành phố phối hợp xác minh bằng cấp của một số trường hợp tuyển dụng vào ngành Y tế của tỉnh.
Qua đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 10 trường hợp là nhân viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại một số trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện lao phổi, bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên sử dụng bằng cấp không hợp pháp. Trong đó, có 4 chứng chỉ tin học, 4 chứng chỉ ngoại ngữ và 6 bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.
Công an tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thu hồi các quyết định tuyển dụng, buộc thôi việc các trường hợp sử dụng bằng cấp không hợp pháp.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra phát hiện; trước khi ra các quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng, phải thẩm tra, xác minh tính hợp pháp của các loại bằng cấp.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng bằng cấp không hợp pháp để được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế đã vi phạm pháp luật, gây dư luận xấu trong cơ quan và quần chúng nhân dân, gây thiệt hại đối với cơ quan Nhà nước.
Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành Y tế đã không thực hiện đúng các quy trình xét tuyển được quy định trong phương án xét tuyển đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, không phối hợp với các cơ quan chức năng đối chiếu, kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ gốc có liên quan trước khi ra các quyết định tuyển dụng.
Lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, những người này đã mua bán các bằng cấp, chứng chỉ để xen vào cơ quan Nhà nước, tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng bộ máy.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẳng định sẽ cho thôi việc đối với 6 trường hợp dùng bằng tốt nghiệp THPT giả, các trường hợp còn lại sẽ yêu cầu bổ sung trong thời gian nhất định. Việc xử lý kỷ luật sẽ được thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.
Trước đó, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm, tên thường gọi là Trần Thị Ngọc Thảo) - Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã bị khai trừ Đảng và buộc thôi việc vì sử dụng bằng cấp 3 của chị để học tập, công tác.
Cũng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Bùi Thị Thân - Phó trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức Phó trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Hiện, Văn phòng Tỉnh ủy vẫn đang tiếp tục thu thập hồ sơ, tài liệu để xử lý những cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm của bà Ái Sa (Thảo) và bà Thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.