Hổ phách chứa đuôi khủng long có niên đại hơn 99 triệu năm.
Mẫu vật hổ phách chứa đuôi màu hạt dẻ của khủng long mới được một nhà khoa học Trung Quốc phát hiện cách đây ít lâu. Loài khủng long không biết bay này được cho là sinh sống ở kỷ Phấn trắng, cách ngày nay 99 triệu năm.
Phát hiện mới giúp các nhà khoa học tìm hiểu quá trình tiến hóa của nhiều loài khủng long thành chim hiện đại. Mẫu vật trước đây rất khó để nghiên cứu vì không còn nguyên vẹn. Mảnh hổ phách chứa đuôi khủng long được bán dạo ở một khu chợ tại Myanmar.
Bác sĩ Paul Barrett từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết mẫu vật tìm thấy “tuyệt đẹp”. Tiến sĩ Ryan McKellar từ Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan ở Canada, nói: “Mẫu đuôi tìm thấy có 8 đốt sống đuôi của một con khủng long non. Cái đuôi này khá dài và có lông vũ chạy dọc”.
Miếng hổ phách được bán ở một khu chợ truyền thống tại Myanmar và nếu không được nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra, nó sẽ bị trao đổi như trang sức rẻ tiền.
Tiến sĩ McKellar phát biểu:” Mẫu hổ phách sẽ cho thấy cái nhìn rõ hơn về các mẫu mô khủng long và hệ sinh thái từ cách đây hàng chục triệu năm. Đây là điều chưa từng có trong các mẫu vật từng tìm thấy. Mẫu đuôi này sẽ cung cấp thông tin rất đáng giá”.
Ông hy vọng trong tương lai các nhà khoa học sẽ có thể đánh giá chi tiết hơn về sự tiến hóa của lông vũ và mô mềm trong cơ thể khủng long và các loài động vật có đốt sống khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.