Phát hiện mới về tìm kiếm MH370 gây sốc giới khoa học

Tuấn Anh (Theo Newsweek) Thứ năm, ngày 24/08/2023 10:43 AM (GMT+7)
Một phương pháp mới để theo dõi các mảnh vỡ từ vụ tai nạn máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia cách đây hàng thập kỷ đã được tìm ra liên quan đến một 'trợ thủ khiêm tốn'.
Bình luận 0
Phát hiện mới về tìm kiếm MH370 gây sốc giới khoa học - Ảnh 1.

Vỏ của loài giáp xác này được tìm thấy trên mảnh vỡ của chuyến bay MH370 có thể cung cấp manh mối về nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh Getty

Một nghiên cứu mới trên tạp chí AGU Advances tiết lộ, việc nghiên cứu thành phần hóa học trong vỏ của các loài giáp xác nhỏ sống trên mảnh vụn từ một vụ tai nạn máy bay có thể cung cấp cho các nhà khoa học manh mối về nơi xảy ra vụ tai nạn của MH370.

Phương pháp này có thể giúp tìm ra vị trí mảnh vỡ chính của chuyến bay MH370, chuyến bay của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã biến mất vào ngày 8/3/2014 và được cho là đã rơi ở đâu đó trên Ấn Độ Dương. Toàn bộ phần còn lại của chiếc Boeing 777 chở 239 người đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Nassar al-Qattan, tiến sĩ địa hóa học của Đại học Nam Florida, người tham gia nghiên cứu, cho biết: "Biết được câu chuyện bi thảm đằng sau bí ẩn đã thúc đẩy tất cả những người tham gia vào dự án này lấy dữ liệu và công bố công trình này".

"Chiếc máy bay đã biến mất hơn 9 năm trước và tất cả chúng tôi đều nỗ lực nhằm giới thiệu một phương pháp tiếp cận mới nhằm giúp tiếp tục cuộc tìm kiếm vốn đã bị đình chỉ vào tháng 1/2017, có thể giúp mang lại sự thật cho hàng chục gia đình của những người trên chiếc máy bay mất tích", ông nói. 

Các mảnh vỡ của MH370 dạt vào đảo Reunion ngoài khơi châu Phi một năm sau vụ tai nạn đã được bao phủ bởi hàu.

Gregory Herbert, phó giáo sư sinh thái biển tại Đại học Nam Florida, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố: "Phần cánh được bao phủ bởi hàu và ngay khi nhìn thấy điều đó, tôi ngay lập tức bắt đầu gửi email cho các nhà điều tra tìm kiếm vì tôi biết địa hóa học trên vỏ của chúng có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn".

Hàu là loài giáp xác nhỏ mọc ở thành thuyền, đá và thậm chí trên cá voi.

Herbert đã nghiên cứu vỏ giáp xác trong nhiều thập kỷ và phát hiện ra cách xác định nhiệt độ đại dương ở những nơi mà loài vật này đã đến, chỉ từ các tín hiệu hóa học trên vỏ của nó.

Trong nghiên cứu, các tác giả mô tả cách họ áp dụng phương pháp này cho những con hàu được thu hồi từ mảnh vỡ của MH370.

Các nhà khoa học đã kết hợp các phép đo lấy từ vỏ hàu với mô hình hải dương học và tạo ra một bản tái tạo đường trôi dạt của những mảnh vỡ từ MH370 trong những năm qua.

"Thật đáng buồn, những con hàu lớn nhất và lâu đời nhất vẫn chưa được cung cấp để nghiên cứu, nhưng với nghiên cứu này, chúng tôi đã chứng minh được phương pháp này có thể được áp dụng cho những con hàu bám trên mảnh vụn ngay sau vụ tai nạn để tái tạo lại đường trôi dạt hoàn chỉnh trở lại", Herbert nói.

"Nhà khoa học người Pháp Joseph Poupin, một trong những nhà sinh vật học đầu tiên nghiên cứu mảnh cánh, đã kết luận rằng những con hàu lớn nhất gắn liền có thể đã đủ tuổi để cư trú trên đống đổ nát ngay sau vụ tai nạn và rất gần với vị trí vụ tai nạn thực tế nơi máy bay rơi", Herbert nói. "Nếu vậy, nhiệt độ được ghi lại trong những vỏ hàu đó có thể giúp các nhà điều tra thu hẹp phạm vi tìm kiếm của họ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem