Ảnh mô phỏng của ngôi sao Kepler 11145123, vật thể được cho là tròn nhất trong vũ trụ.
Các vật thể trong vũ trụ không bao giờ tròn tuyệt đối. Lực ly tâm làm cho chúng có hình giống bầu dục quanh đường xích đạo. Ví dụ, mặt trời có bán kính xích đạo dài hơn 10km so với bán kính giữa hai cực. Trái đất có bán kích xích đạo dài hơn 21 km so với bán kính ở hai cực.
Ngôi sao Kepler 11145123 có bán kính trung bình 1,5 triệu km và nằm cách Trái đất khoảng 5.000 năm ánh sáng. Với bán kính xích đạo chỉ dài hơn bán kích hai cực 3km, thiên thể này được coi là vật thể tự nhiên tròn nhất trong vũ trụ
Tiến sĩ Laurent Gizon, đến từ Viện nghiên cứu hệ mặt trời Max Planck và trượng đại học Göttingen ở Đức, và các cộng sự đã theo dõi và phân tích các dao động và sự co giãn của ngôi sao Kepler 11145123 trong hơn một năm để tính toán độ tròn của nó.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân khiến Kepler 11145123 ít bị méo là do tốc độ xoay chậm hơn 3 lần so với mặt trời. Ngoài ra, từ trường cũng có thể khiến ngôi sao này trông tròn hơn. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ áp dụng phương pháp này để tính toán độ tròn của các ngôi sao khác.
“Chúng tôi cảm thấy rất thú vị khi chứng kiến tốc độ xoay nhanh và từ trường mạnh có thể làm thay đổi hình dạng của một ngôi sao”, tiến sĩ Gizon nói. “Một trường lý thuyết quan trọng trong vật lý học thiên thể đã được quan sát”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.