Phát hiện sớm trẻ tự kỷ, hồi sinh các cuộc đời

Nguyễn Trang Thứ ba, ngày 15/07/2014 06:48 AM (GMT+7)
Mục tiêu của Dự án phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng  (triển khai từ tháng 7.2014) là hàng ngàn giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non nông thôn ở một số tỉnh, thành được đào tạo để nhận diện và chăm sóc trẻ tự kỷ.
Bình luận 0

Bệnh gia tăng nhanh chóng

Ở một số vùng nông thôn, ngay tại ngoại thành Hà Nội, khi phát hiện trẻ “không bình thường”, nhiều gia đình còn cho rằng con bị ma ám, bị ảnh hưởng bởi “hướng nhà, hướng đình” và tìm mọi cách cầu cúng chứ không thừa nhận con bị bệnh liên quan tới não bộ.

Thực trạng này cũng được giáo viên các trường mầm non thừa nhận. Đại diện của Trường Mầm non Thăng Long Kid (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giáo viên tiếp nhận nhiều học sinh có biểu hiện bệnh tự kỷ khá rõ như thường xuyên cắn, cào, đánh bạn trong lớp; không ăn, không ngủ trưa, không giao tiếp. Tuy nhiên, khi trao đổi với phụ huynh thì cha mẹ không có cái nhìn cụ thể về bệnh này và không hợp tác.

“Bản thân chúng tôi cũng không am hiểu về bệnh tự kỷ. Nói không có bằng chứng khoa học thì cha mẹ trẻ không nghe. Mà chúng tôi cũng không thể kết luận được về bệnh tật, không được tập huấn cách chăm sóc đặc biệt nên rất rối”- đại diện nhà trường nói.

Theo bà Vũ Lan Hương - cán bộ dự án, những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1% dân số. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào tương tự nhưng nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra tỷ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh tới mức… phi mã.

Cụ thể là số trẻ tới điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000. Sau năm 2007 thì chưa có nghiên cứu nào về sự gia tăng nhưng phản ánh trong các trường mầm non cho thấy trường nào cũng có vài ba trường hợp/năm học.

Phát hiện sớm, hồi sinh các cuộc đời

“Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và hòa nhập xã hội. Vì vậy, việc “kéo” giáo viên mầm non tham gia phát hiện bệnh, tư vấn cho cha mẹ trẻ đưa con đi khám, điều trị là cách tốt nhất để phát hiện, điều trị bệnh cho trẻ tự kỷ”- thạc sĩ Nguyễn Thị Nha Trang, chủ nhiệm dự án khẳng định. Điều đó có nghĩa là phát hiện sớm sẽ hồi sinh được nhiều cuộc đời bé thơ.

Xung quanh biểu hiện bệnh, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm, Trường Cao đẳng sư phạm T.Ư, chuyên gia về bệnh tự kỷ cho biết, tự kỷ bao gồm nhiều dạng khác nhau: Tự kỷ, rối loạn phát triển lan tỏa - không điển hình và hội chứng Asperger.

Tự kỷ bắt đầu trước 3 tuổi, và nếu sau 6 tuổi mới phát hiện bệnh thì quá muộn để can thiệp. Chính vì thế, dự án dự kiến sẽ phát bộ tài liệu chỉ dẫn các dấu hiệu sớm của tự kỷ.

“Các trường mầm non khi phát hiện trẻ có dấu hiệu này nên mời bác sĩ về tâm bệnh tới thẩm định. Trẻ khi có bệnh cần được hỗ trợ điều trị hòa nhập cả ở lớp và ở nhà”- bà Thanh nói.

Chương trình này khởi động từ giữa tháng 7.2014, bắt đầu từ Hà Nội và được các giáo viên mầm non tiếp nhận khá hồ hởi. “Hiện nay, giáo viên quá mệt mỏi vì phải trông nhiều trẻ nên thường xử lý bằng cách không quan tâm tới trẻ cá biệt nữa. Khi được tập huấn, chúng tôi hiểu bệnh và biết cách đối xử với trẻ tự kỷ. Điều đó tốt cho chúng tôi và tốt cho trẻ”- cô Hoàng Hà, giáo viên mầm non ở quận Cầu Giấy chia sẻ.

  Bố mẹ biết,  nhưng ít hành động:

Nghiên cứu của các chuyên gia tâm bệnh chỉ ra rằng, 1/3 tới 1/2 số cha mẹ có con tự kỷ nhận thấy vấn đề của con mình trước 1 tuổi; gần 90% nhận thấy vấn đề của trẻ trước 24 tháng tuổi. Nhưng số hành động để chữa bệnh cho trẻ và phối hợp với nhà trường điều trị hòa nhập rất ít, nhất là ở nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem