|
Vi phạm trong lĩnh vực y tế về thuốc có thể bị phạt tối đa 40 triệu đồng. Ảnh minh hoạ. |
Ngành dược trông đợi
Ông Nguyễn Huy Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, các mức xử phạt hành chính theo dự thảo đã được các chuyên gia xây dựng, tính toán theo mức độ vi phạm ảnh hưởng đến xã hội. Mức quy định tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế là 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, có thể còn thu hồi hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Với vi phạm các quy định về buôn bán thuốc, nếu bán nhầm thuốc bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với bán các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ... Ngoài ra, các vi phạm không mặc trang phục theo quy định đứng bán thuốc, không niêm yết giá, sai niêm yết, bán thuốc giả... đều bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến vài chục triệu đồng.
Ths.Nguyễn Thị Hồng Thuỷ - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, xử phạt nặng là cần thiết bởi: “Hiện có nơi thực hiện tốt nhưng vẫn có nơi không thực hiện hoặc vi phạm. Chẳng hạn loại thuốc phải được bán theo đơn của bác sĩ thì ở các nhà thuốc bệnh viện thực hiện nghiêm túc. Nhưng tại các nhà thuốc khác, người dân dễ dàng mua được thuốc cần kê đơn mà không có đơn. Như vậy rất nguy hiểm”.
Dược sĩ Võ Đình Đệ - Phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Đồng Tháp cũng bày tỏ: “Phạt nặng để không vi phạm”. Theo ông Đệ, tại Đồng Tháp, các hiệu thuốc ở vùng sâu vùng xa cũng có đủ lực lượng dược tá, dược trung đứng quầy; tình trạng thuốc hết hạn, thuốc giả... rất hiếm tại địa phương. Tuy nhiên, mức xử phạt cao cũng có tác dụng răn đe để không... vi phạm.
Ai sẽ kiểm soát?
Ngày 23-6, tại hội nghị tăng cường thuốc thiết yếu tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, cần xây dựng danh mục thuốc thiết yếu mà nước ta có khả năng sản xuất, trong đó tập trung sản xuất một số loại nguyên liệu hoá dược chủ đạo như kháng sinh, tá dược. Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, triển khai các biện pháp hữu hiệu để bình ổn, kiểm soát giá thuốc, đặc biệt đối với các nhóm thuốc thiết yếu mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Dẫu được hoan nghênh, nhưng câu hỏi đầu tiên mà các chuyên gia đặt ra cho dự thảo nghị định này là ai sẽ giám sát, thực hiện chế tài, nhất là ở khu vực nông thôn?
Bà Phùng Thị Thuý Nga - dược sĩ ở huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, thông thường thanh tra Sở Y tế sẽ kiểm tra, kiểm soát vi phạm nhưng lực lượng này rất mỏng, trong khi các hiệu thuốc ở nông thôn lại nằm rải rác nên rất khó phát hiện vi phạm và phạt. Việc bán thuốc theo đơn cũng vậy.
Bà Nguyễn Hải Vân - chủ hiệu thuốc Hải Vân ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) nói:
“Dân ở đây bệnh nhẹ không bao giờ đi khám mà cứ mua thuốc uống liều. Tôi bán thuốc theo đơn thì có lẽ phải từ chối 2/3 khách hàng. Mà bán hay không bán theo đơn cũng không ai theo sát được”.
Cũng theo dự thảo mới: Cho mượn bằng dược sĩ, dược tá để người khác đứng ra kinh doanh thuốc mà lại kinh doanh hàng giả thì thậm chí người cho mượn bằng có thể bị đứng trước... vành móng ngựa.
Thế nhưng, liệu có dược sĩ nào “giật mình” trước quy định này, khi mà lợi nhuận vẫn là trên hết?
Hồng Hoa- Phương Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.