Phát ngôn của Thanh Lam có kì thị, phân biệt ca sĩ miền Nam không?

Thứ hai, ngày 23/10/2017 13:00 PM (GMT+7)
Dám nói thẳng, nói thật về hiện trạng nhạc Việt với tinh thần cầu thị xây dựng của một người tâm huyết với nghề, nhưng những gì Thanh Lam nhận được là sự quay lưng của công chúng và đồng nghiệp.
Bình luận 0

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc Thanh Lam lên tiếng về Thu Minh, Mỹ Tâm và một số ca sĩ miền Nam "ít học hành" nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông.

Đa số công chúng cho rằng, nữ diva đang có thái độ phân biệt coi thường các ca sĩ miền Nam. Nhưng, đó lại là sự hiểu lầm tai hại, vô tình tạo nên nỗi đau cho toàn thể nhạc Việt.

img

Thanh Lam đang trong tâm bão dư luận vì những lời chia sẻ thẳng thắn của mình

Thanh Lam có được quyền đánh giá Thu Minh, Mỹ Tâm?

Người Việt vốn trọng sự cả nể, "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình". Bởi vậy, chúng ta ngại nói thẳng, nói thật mà thường xuê xoa mọi thứ, tránh để "sự thật mất lòng". Người thằng tính thường thiệt thòi trong cuộc sống và khó giữ được quan hệ tốt với mọi người.

Đối với người của công chúng, họ càng phải rào trước đón sau, giấu suy nghĩ thật đi để nói những điều vô thưởng vô phạt. Có như vậy mới được khán giả và đồng nghiệp yêu quý.

Nhưng các nghệ sĩ nước ngoài lại không như vậy, họ sẵn sàng nói lên quan điểm, chính kiến của mình trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm có được.

Chẳng hạn, khi Whitney Houston bị so sánh với Mariah Carey vào hồi đầu thập niên 90, cô đã phản biện: "Tôi chẳng nghĩ gì về Mariah Carey cả. Đừng nghĩ rằng việc ai đó luyến láy, chạy nốt được là có thể hát giống như tôi".

Madonna khi được hỏi về Whitney Houston và Mariah Carey (thời điểm cả 2 diva đều đang rất hot) đã nói: "Tôi thấy Whitney tài năng hơn Mariah, tôi thích cô ấy hơn".

Nina Simone cũng nói thẳng khi được hỏi về Whitney Houston: "Cô ấy hơn tôi ở chỗ được giới trẻ yêu thích, chứ làm sao bằng tôi được".

Aretha Frankin trong một buổi phỏng vấn đã thẳng thừng chê bai Taylor Swift và Nicki Minaj, dù hai ca sĩ này đang rất nổi tiếng, sở hữu lượng fan hùng hậu, hiếu chiến không kém gì Mỹ Tâm, Sơn Tùng.

Mariah Carey cũng chẳng kém cạnh, khi được hỏi về Ariana Grande, Madonna, Demi Lovato, Miley Cyrus, nữ diva chỉ nói một câu duy nhất: "Tôi không biết họ là ai cả". Đó là câu cửa miệng Mariah thường dùng để nói về những người cô không thích hoặc không đánh giá cao.

Maria Callas còn ghê gớm hơn khi dám chê bai Renata Tebaldi – người đồng nghiệp có vị trí không hề kém cạnh gì bà trong giới opera ngày ấy.

Bà nói: "Bao giờ mà người bạn yêu quí Renata Tebaldi của tôi có thể hát được Norma, Lucia Anna Bolena, La Traviata, Gioconda hay Medea thì hãy nói chúng tôi là đối thủ của nhau. Còn không thì giống như là đang so sánh rượu sâm banh với cô nhắc – không phải, coca cola vậy!".

Qua những ví dụ trên, ai cũng thấy rằng, nghệ sĩ nước ngoài rất thẳng thắn, có sao nói đó và không ngại động chạm. Nhưng họ vẫn luôn được công chúng yêu quý.

Đơn giản vì khán giả quốc tế rất thích nghe những lời nói thẳng, không ưa sự đãi bôi vô thưởng vô phạt. Có như vậy, những nghệ sĩ khác mới có lực đẩy để phấn đấu, kéo nền âm nhạc đi lên.

Nhìn lại trường hợp của Thanh Lam, có thể thấy, mọi ý kiến của cô về Thu Minh và Mỹ Tâm - ở một khía cạnh nào đó, đều rất đúng đắn.

img

Thu Minh và Mỹ Tâm là hai đàn em mà Thanh Lam rất yêu quý

Như lời Thanh Lam nói, cái "ngông" của Thu Minh giúp cô vượt trội hơn hẳn ở phong thái trình diễn và bản lĩnh sân khấu. Rất ít nữ ca sĩ Việt Nam hiện nay có phong cách trình diễn tự tin, "điên" một cách táo bạo, nhiệt huyết và căng tràn như cô.

Tuy nhiên, sau hai đỉnh cao là Thiên đàng và Giác quan thứ 6, Thu Minh đang bị chững lại và thiếu đi tính đột phá.

Công chúng đang thấy một Thu Minh loay hoay giữa thị trường và nghệ thuật. Những sản phẩm gần đây của cô không còn giữ được cái "chất" như trước đây nữa, mà hòa tan quá nhiều vào thị trường Vpop.

Với Mỹ Tâm, cô sở hữu giọng hát nội lực, khỏe khoắn và bản lĩnh sân khấu vững vàng, nhưng các sản phẩm âm nhạc đều dừng lại ở mức dễ nghe, dễ thấm, đơn giản. Nhìn vào Mỹ Tâm, ai cũng thấy được sự nổi tiếng và tâm hồn đẹp của cô, nhưng chất nghệ thuật lại hơi ít ỏi.

Hơn nữa, ý kiến của Thanh Lam về Thu Minh, Mỹ Tâm đều trên tinh thần xây dựng và xuất phát từ lòng yêu mến dành cho hai ca sĩ này. Cô từng nói: "Tôi quý Mỹ Tâm ở sự kín đáo và đặt kì vọng cao vào bạn ấy.

Với Thu Minh, tôi cũng rất yêu cái "ngông" và sự phấn đấu bền bỉ của bạn ấy để có được ngày hôm nay. Tôi tôn trọng cả hai và rất mong họ sẽ bứt phá hơn nữa để đưa nhạc Việt đi lên, vì họ là những ca sĩ tài năng".

Ở vị trí của Thanh Lam, cô có quyền lên tiếng thẳng thắn về thế hệ sau mình. Nhưng rõ ràng, Thanh Lam vẫn bày tỏ rất nhẹ nhàng, khéo léo.

Vậy mà, những ý kiến xuất phát từ tấm lòng chân thành của cô lại bị hiểu lầm thành sự kênh kiệu, chê bai đàn em.

Thanh Lam có kì thị, phân biệt ca sĩ miền Nam?

Là một trong những thế hệ ca sĩ miền Bắc đầu tiên Nam tiến thành công, hơn ai hết, chính Thanh Lam mới là người dành nhiều tình cảm cho khán giả miền Nam nhất. Cô nói:

"Đến giờ tôi vẫn biết ơn khán giả miền Nam nhiều lắm. Họ đã yêu tôi từ những tháng ngày đầu tiên và dõi theo tôi tới tận bây giờ.

Ngày ấy, tôi cũng hơi lo lắng khi lần đầu vào Nam hát. Nhưng chỉ cần bước lên sân khấu là cái lo lắng đó tan biết hết trước sự nhiệt tình và yêu mến của khán giả.

Khán giả miền Nam chân thật và đáng yêu lắm. Họ cuồng nhiệt và coi âm nhạc như món ăn không thể thiếu, cần phải thưởng thức ngay. Tôi yêu những con người như vậy. Họ cho chúng tôi nhiệt huyết và đam mê với nghề".

Không những vậy, Thanh Lam còn rất ngưỡng mộ những nghệ sĩ tài năng trong Nam.

"Tôi cực kì ngưỡng mộ chị Bảo Yến. Chị hát rất Việt Nam và đa sắc thái. Ở Việt Nam này chẳng mấy ai được như chị Bảo Yến.

Tôi cũng rất thích chị Cẩm Vân, chị Ngọc Lan và nhiều ca sĩ khác trong Nam. Mỗi người đều tạo được dấu ấn riêng của mình trong ca hát" – Thanh Lam chia sẻ.

Với tình yêu dành cho khán giả và nghệ sĩ miền Nam như vậy, không có lí do nào Thanh Lam lại kì thị họ.

Khi nghe Đàm Vĩnh Hưng nói có tình trạng phân biệt vùng miền trong âm nhạc, Thanh Lam còn phản đối: "Không hề có chuyện đó. Phân biệt vùng miền là điều không nên, vì ở đâu cũng có cái hay riêng. Quan họ hay cải lương, không cái nào hay hơn cái nào, tất cả đều tuyệt vời".

Việc Thanh Lam đề cập đến "nhiều ca sĩ chẳng học hành gì mà vẫn nổi tiếng" đã bị nhiều người lợi dụng để "vơ đũa cả nắm", gán cho cô tội kì thị ca sĩ miền Nam. Nhưng kì thực, cô chỉ đang nhắc đến những "con sâu làm rầu nồi canh" mà thôi.

Rõ ràng, chính những "con sâu" này mới đang làm xấu mặt các nghệ sĩ miền Nam chân chính như Bảo Yến, Cẩm Vân, Ngọc Sơn, Siu Black… Và Thanh Lam chỉ đang đặt dấu hỏi về thực trạng đáng buồn đó.

Nên hiểu chữ "chẳng học hành" của Thanh Lam như thế nào?

Nhiều người nghĩ rằng, "học hành" ở đây là học bài bản trên trường lớp. Nhưng chữ "học" Thanh Lam nhắc đến rộng hơn nhiều. Đó là sự tự học, tự rèn luyện và phấn đấu để đi lên.

Rất nhiều thần tượng của Thanh Lam như Whitney Houston, Mariah Carey, Madonna, Bob Dylan… đều không học ở trường lớp, nhưng cô vẫn ngưỡng mộ họ.

Đơn giản vì họ có cả một quá trình tự học, tự mài dũa để nâng cao trí tuệ, phát huy tài năng của bản thân, điều mà người học ở trường lớp chưa chắc có được.

img

Với Thanh Lam, học hành tức là tự rèn luyện để lĩnh hội tri thức

Những nghệ sĩ trong Nam như Bảo Yến, Cẩm Vân… cũng không hề được học hành trường lớp, nhưng Thanh Lam vẫn yêu thích, vì bản thân họ đã có cả một quá trình tự học.

Sở dĩ Thanh Lam nhắc đến "học hành" nhiều như vậy vì cô luôn đau đáu lo lắng cho nền âm nhạc Việt Nam, khi càng ngày càng bị biến tướng bởi truyền thông.

Ca sĩ trẻ ngày nay dựa dẫm vào truyền thông để nổi tiếng mà bỏ qua việc tự rèn luyện bản thân, dẫn đến chất lượng âm nhạc đi xuống nặng nề.

Nhìn vào dàn ca sĩ trẻ đang nổi tiếng, ai cũng tiếc nuối cho thế hệ của Thái Thanh, Lê Dung, Thanh Thúy, Phương Dung, Bạch Yến, Bảo Yến… năm xưa.

Trong khi đó, nhiều ca sĩ trẻ có ăn có học và tài năng như Đông Hùng, Dương Hoàng Yến lại ít nổi tiếng do không được truyền thông hỗ trợ. Đó là sự bất công lớn.

img

Nỗi đau của Thanh Lam cũng là nỗi đau của nền âm nhạc Việt Nam

Rõ ràng, Thanh Lam đang chỉ ra một thực trạng đáng báo động của nhạc Việt, nhưng không ai chịu nhìn nhận nó mà chỉ suy diễn để "chụp mũ" lời nói của cô.

Nỗi đau của Thanh Lam nhìn rộng ra là nỗi đau của toàn thể nhạc Việt, khi những ý kiến đóng góp đúng đắn lại bị hắt hủi. Dần dần, sẽ không còn ai dám lên tiếng nói thẳng, nói thật nữa.

Trong khi nền âm nhạc của bạn bè láng giềng ngày một phát triển thì chỉ riêng nhạc Việt vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng ta sẽ mãi ngủ quên trong những lời khen vô thưởng vô phạt.

Long Phạm (Tri thức trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem