Phát triển kinh tế đêm: “Cửa sáng” cho du lịch Hà Nội

Thành An Thứ hai, ngày 05/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Để kinh tế ban đêm trở thành động lực phát triển ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng đều mong muốn TP.Hà Nội có kế hoạch phát triển bài bản, quy củ, qua đó tăng thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời hỗ trợ các ngành kinh tế, dịch vụ khác phát triển.
Bình luận 0

Nhiều tiềm năng

Trao đổi với PV NTNN, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, ông vừa kiến nghị TP.Hà Nội xem xét cho quận sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, với vị trí là trung tâm hành chính-chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa của thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển kinh tế đêm với các hoạt động du lịch, ẩm thực, mua sắm và giải trí đêm một cách đồng bộ.

Thứ nhất, Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hoá Thăng Long - Hà Nội, hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng.Trên địa bàn quận, có 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước như: Di tích danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn (di tích quốc gia đặc biệt); Khu phố cổ Hà Nội (di tích quốc gia) với các sản phẩm vật thể và phi vật thể như đền Bạch Mã – một trong Thăng Long tứ trấn, chùa Quán Sứ, nhà cổ 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang… khu phố cũ (khu phố Pháp) với nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo lớn có giá trị cao trước 1954 như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà thờ lớn… đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Hoàn Kiếm.

Thứ hai, những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tăng nhanh (năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Hơn nữa, khách quốc tế từ các nước như châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, do vậy, họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm đến du lịch. Ngoài ra, Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm.

Phát triển kinh tế đêm: “Cửa sáng” cho du lịch Hà Nội - Ảnh 1.

Phát triển kinh tế đêm, "cú hích" đưa du lịch Hà Nội cất cánh. Ảnh: Thành An

Thời gian thực hiện thí điểm các hoạt động kinh tế ban đêm (dự kiến giai đoạn 1 thực hiện từ khi được UBND thành phố phê duyệt đến ngày 31/8/2021), giai đoạn này sẽ tập trung phát triển các không gian động lực cho kinh tế ban đêm để tạo tiền đề phát triển toàn diện trên địa bàn. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/9/2021): Phát triển kinh tế ban đêm toàn diện trên địa bàn.

Ông Nguyễn Anh Quân- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Về lâu dài, lĩnh vực này có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại nguồn thu lớn, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trên thực tế kinh tế đêm đã hình thành ở quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay dưới các loại hình như các không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố… vào ban đêm.

"Từ tháng 9/2016, UBND quận Hoàn Kiếm đã thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh từ đêm hôm trước đến 2 giờ hôm sau trong 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu năm 2016, quận thu hút 1,4 triệu lượt khách quốc tế thì năm 2019 là 2,3 triệu lượt. Doanh thu của các hộ kinh doanh tăng 30%. Ngoài ra còn góp phần tăng thu ngân sách của quận từ mức 5.000 tỷ đồng năm 2016 lên 9.500 tỷ đồng năm 2019"- ông Nguyễn Anh Quân cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống. Đặc biệt, đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là điều kiện quan trọng để quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn khi được UBND TP.Hà Nội chấp thuận. "Quận Hoàn Kiếm xác định phạm vi hoạt động kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch; các hoạt động vận chuyển; các hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm…"- ông Quân cho hay.

Đòn bẩy phát triển du lịch hậu Covid-19

Về việc triển khai kinh tế đêm ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đang phối hợp quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất với thành phố nhân rộng mô hình này ra các quận, huyện khác.

Phân tích rõ hơn về mô hình kinh tế ban đêm sẽ triển khai thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, bà Ngô Minh Hoàng-Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nói rằng, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung gắn với kinh tế đêm.

"Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất và dự kiến hoạt động kinh tế đêm tại Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, vận chuyển, tài chính… Đặc biệt, không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ Sáu đến 24 giờ tối Chủ nhật hằng tuần. Còn các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22 giờ hằng ngày"- bà Hoàng thông tin.

Được biết, để tiếp sức cho du lịch về đêm, TP.Hà Nội sẽ lắp đặt hệ thống wifi công cộng miễn phí tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố. Mặt khác, TP.Hà Nội đang nghiên cứu mở rộng thí điểm mô hình xe điện vận chuyển khách du lịch theo khu vực trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh khu vực phố cổ và hồ Gươm, Sở GTVT Hà Nội đề xuất mở rộng tuyến đường xe điện hoạt động tại 8 địa điểm, khu du lịch, gồm Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Hương, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thiên Sơn - Suối Ngà, Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao

img

Cần cải tạo hành lang pháp lý

Để tận dụng tiềm năng vốn có của Thủ đô về đêm, TP.Hà Nội cần phải tạo hành lang pháp lý về kinh tế ban đêm. Cụ thể, khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học; đồng thời tăng công tác quản lý nhà nước để tránh tệ nạn có thể phát sinh.

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc HanoiRedtours

img

Tìm cách gỡ các nút thắt

Chúng ta đã biết được hiệu quả kinh tế đêm, tuy nhiên lại chưa quan tâm đầu tư để có những chính sách, cơ chế riêng phát triển kinh tế về đêm. Đây chính là nút thắt lớn cần được tháo gỡ. Tôi cho rằng rào cản không chỉ nằm ở giới hạn thời gian mà còn là quy hoạch và quản lý. Chính vì không quy hoạch được mới trở nên xô bồ. Nhiều tuyến phố đi bộ ở các thành phố lớn, giờ người ta gọi là phố đi nhậu. Hàng quán tràn ra lòng đường, chiếm diện tích. Những con phố rộng hơn, thích hợp làm dịch vụ, thì lại trống trơn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vietravel

img

Đừng bỏ quên cơ hội!

Hiện nay có tư duy không quản lý được thì cấm khiến các thành phố bỏ quên cơ hội từ kinh tế đêm. Trong khi đó, nếu quy hoạch từng khu cụ thể, có điều kiện kinh doanh rõ ràng thì câu chuyện sẽ khác. "Chính quyền từng thành phố phải trả lời được những câu hỏi: "Muốn cái gì?", "Khai thác thế nào?" thì mới có thể đưa ra một giải pháp tổng thể". Kinh tế ban đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh, nó luôn phải hoạt động đồng bộ từ phương tiện công cộng để đến các địa điểm giải trí ban đêm, tới nhà hàng để ăn sau khi rời sân khấu lúc 2 giờ sáng, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 để sẵn sàng phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc APT Travel

Hoàng Thành (ghi)


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem