Hiện Bộ NNPTNT đang triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó trồng trọt được xác định là ngành trọng tâm. Ông có thể cho biết, vai trò của ngành trồng trọt đối với nông nghiệp nước ta trong suốt 10 năm qua?
Nhiều mặt hàng nông sản đem lại giá trị kinh tế cao.Ảnh, thu mua chanh không hạt tại HTX Châu Thành (Hậu Giang). Ảnh: Thanh Xuân
- Có thể nói, lĩnh vực trồng trọt có vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất của ngành nông nghiệp với tỉ trọng gần 60% toàn ngành nông nghiệp hiện nay. Suốt 10 năm qua, trong điều kiện đất nước đang mở rộng hội nhập và phát triển mạnh mẽ, đóng góp của lĩnh vực trồng trọt là không hề nhỏ. Nếu như năm 2005, giá trị thu được từ trồng trọt bình quân chỉ đạt 23,8 triệu đồng/ha, thì hiện trung bình đã tăng lên 83 triệu đồng/ha.
Năng suất cây trồng, đặc biệt cây trồng chủ lực tăng mạnh. Cụ thể một số cây trồng chủ lực như lúa từ 49,8 tạ/ha tăng lên 57,8 tạ/ha; ngô từ 36 tạ/ha tăng lên 44,5 tạ/ha, sắn từ 157 tạ/ha tăng lên 190 tạ/ha… Đi kèm với đó, chất lượng một số nông sản cũng được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải thiều, nhãn, bưởi, chè…
Với việc sản lượng lương thực liên tục tăng qua các năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng cường xuất khẩu.
Được biết, thời gian qua ngành nông nghiệp đã triển khai hàng loạt chính sách liên quan đến việc phát triển trồng trọt. Ông có thể cho biết, các chính sách này đã ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của ngành trồng trọt?
- Đầu tiên, tôi có thể khẳng định yếu tố quyết định chính là trong suốt 10 năm qua, Cục Trồng trọt đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được Bộ NNPTNT giao, trong đó có hàng loạt các chủ trương, chính sách được triển khai như: Công tác quy hoạc phát triển ngành đã triển khai các quy hoạch và các cây trồng chủ lực có lợi thế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 để định hướng phát triển sản xuất cho từng cây trồng, từng vùng sinh thái, nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh nông sản cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Hàng loạt các đề án cũng đã được ngành ban hành như: Đề án phát triển ngành trồng trọt; Đề án phát triển ngành điều, cà phê và hàng loạt các quy hoạch như: Chuyển đổi đất lúa, sản xuất lúa, ngô, sắn, mía, cà phê, cao su, vùng cây ăn quả, thanh long, sản xuất nấm, rau an toàn…
"Trong những năm qua, khi đất nước khó khăn thì nông nghiệp luôn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế, trong đó trồng trọt có vị trí quan trọng”.
Ông Mã Quang Trung
|
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn rất hạn chế ở mặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đây cũng chính là vấn đề quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành trong thời gian tới. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, để ngành trồng trọt tiếp tục phát triển, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu, bởi sản xuất đã dư thừa nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta bây giờ làm ra không còn lo “đủ ăn” nữa, mà phải đem bán để nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, do đó cần phải đảm bảo chất lượng ATVSTP. Trong đó, các sản phẩm rau, quả, chè… ATVSTP đang là vấn đề sống còn mà ngành trồng trọt phải tập trung thực hiện.
Theo tôi, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, hiện rất nhiều quy định của pháp luật trong 10 năm vừa qua nhiều cái đã lỗi thời như Pháp lệnh giống cây trồng hay các văn bản của Nhà nước chưa đẩy đủ, cần được bổ sung.
Đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cần tiếp tục xây dựng để sản xuất phải tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thế giới, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó có đưa ra định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực theo lợi thế từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất theo chuỗi nhằm năng cao giá trị và thu nhập cho nông dân…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.