Tái cơ cấu nông nghiệp: Ưu tiên trồng trọt, chăn nuôi thủy sản

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 30/08/2014 08:24 AM (GMT+7)
Hôm qua, Bộ NNPTNT đã công bố với Nhóm Trợ giúp quốc tế (ISA) 3 kế hoạch hành động tái cơ cấu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Bình luận 0

Xác định các vấn đề ưu tiên

Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đối với trồng trọt sẽ xác định 9 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nghiên cứu giống; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiên tiến; cơ giới hoá, giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh chế biến, bảo quản; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; đổi mới thể chế chính sách; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trồng trọt.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, có 6 lĩnh vực xác định ưu tiên khi triển khai tái cơ cấu bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý chăn nuôi; rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tái cơ cấu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và sản xuất chăn nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng giống gia súc, gia cầm; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn và tập trung vào lĩnh vực thú y…

Ở lĩnh vực thuỷ sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Phạm Anh Tuấn cho biết, để triển khai tái cơ cấu, ngành thuỷ sản cũng xác định 10 lĩnh vực trọng tâm, đó là: Xây dựng chính sách quản lý ven bờ; xây dựng chính sách quản lý quỹ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; đánh giá nguồn lợi hải sản; dự báo ngư trường; nâng cao năng lực đăng ký, đăng kiểm tàu; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm...

Thúc đẩy liên kết 4 nhà

Bà Lan Hương - đại diện Văn phòng Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Việt Nam cho biết quan điểm là con người là trọng tâm của tiến trình phát triển, làm sao phải tăng thu nhập cho người nông dân. Do đó, cần tập trung vào hỗ trợ sinh kế nông thôn qua các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Bên cạnh đó, FAO cũng quan tâm vào phát triển kinh tế lĩnh vực nông, lâm, nghiệp; nâng cao chất lượng và năng lực quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Thế Dũng - đại diện Nhóm các Ngân hàng Thế giới cho biết, hiện các ngân hàng đang hỗ trợ dự án Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững (vn SAT), tập trung vào lúa gạo ở ĐBSCL và cây cà phê ở Tây Nguyên. vnSAT cũng đề xuất hành động chính: Tăng cường thể chế đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sáng kiến lúa gạo bền vững ĐBSCL; sáng kiến cà phê bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, Đề án tái cơ cấu thay đổi tiếp cận phát triển ngành dựa trên chỉ tiêu cụ thể sang các chỉ tiêu số mục tiêu về “3 trụ cột phát triển bền vững: Kinh tế - môi trường – xã hội” cho nông nghiệp Việt Nam. Đề án chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và nhu cầu tiêu dùng, Chính phủ chuyển vai trò từ nhà cung cấp trực tiếp sang việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác nâng cao chất lượng và số lượng đầu tư và dịch vụ trong ngành.

 Đối với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, FAO sẽ hỗ trợ ngành trong các lĩnh vực như: Chính sách hỗ trợ và cải cách thể chế; hỗ trợ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện hệ thống nông nghiệp và lương thực một cách toàn diện và có hiệu quả…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem