Nghiên cứu được tiến hành bởi các giáo sư đến từ trường Đại học Ottawa (Canada) và Đại học London (Anh). Họ đã tiến hành thống kê đối với các bộ phim hoạt hình được ra mắt từ năm 1937-2013 và thấy rằng phim hoạt hình có khá nhiều cảnh chết chóc cũng như những tổn thương nặng nhẹ về thể chất hoặc tinh thần xảy ra đối với nhân vật.
Ngoài ra, nội dung của các bộ phim hoạt hình cũng thường đề cập tới những nỗi sợ hãi kinh hoàng, những thử thách trớ trêu của số phận - một nội dung cũng khá phổ biến trong phim dành cho người lớn.
Những giáo sư tiến hành nghiên cứu này cho biết: “Thay vì sử dụng những truyện phim dễ chịu, vui vẻ, nhẹ nhàng dành cho thiếu nhi, các nhà sản xuất phim hoạt hình thường đưa vào phim những nỗi sợ hãi, sự kịch tính, gay cấn, vì vậy, phim hoạt hình dành cho thiếu nhi thực tế lại chứa nhiều cảnh chết chóc và những thương tích về thể chất hoặc tinh thần cho nhân vật”.
Phim hoạt hình cho thiếu nhi thậm chí còn gây tâm lý bạo lực mạnh mẽ hơn phim người lớn nếu xét về số lượng nhân vật bị chết, bị thương trên màn ảnh.
Những cảnh chết chóc, thương tích trong phim hoạt hình đương nhiên đã được làm giảm nhẹ đi nhiều để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhưng đối với trẻ em, đó vẫn là những tình tiết gây tác động tâm lý khá mạnh.
Dư chấn của những tác động đó có thể sánh ngang với mức độ căng thẳng, ám ảnh mà những cảnh phim chết chóc, bạo lực gây ra đối với người lớn. Ngoài ra, đối với tâm hồn non nớt của trẻ, những tình huống đáng buồn và đáng sợ này có thể sẽ nằm lại trong tâm trí trẻ suốt một thời gian dài.
Cũng vì những lo lắng đối với tâm lý của trẻ, mà điện ảnh đã sinh ra hệ thống phân loại phim, đồng thời, các bậc phụ huynh cũng thường phải chú ý để con mình không xem những bộ phim có nhiều cảnh bạo lực. Có lẽ nhiều bậc phụ huynh đã tưởng rằng khi cho con xem phim hoạt hình, đó đã là lựa chọn hoàn hảo.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tờ tạp chí y học Anh - British Medical Journal. Trong đó, các giáo sư đứng đầu nghiên cứu đánh giá rằng mức độ bạo lực trong phim hoạt hình là “nặng đô” đối với trẻ, tương đương như phim hành động đối với người lớn.
Thống kê từ các bộ phim hoạt hình được ra mắt trong khoảng thời gian từ năm 1937-2013, trong đó có 45 phim hoạt hình dành cho trẻ em đạt danh thu cao nhất mọi thời đại, từ phim “Snow White” (Nàng Bạch Tuyết - 1937) đến “Frozen” (Nữ hoàng băng giá - 2013), các nhà nghiên cứu nhận ra rằng 2/3 số phim hoạt hình đều có đề cập tới cái chết của một nhân vật quan trọng trong phim, trong đó, con số này ở phim người lớn chỉ là 1/2.
Những cái chết có thể khiến trẻ thổn thức vì thương xót trong phim hoạt hình là khá thường thấy, ví dụ: cảnh bắn súng trong “Bambi” (chú nai Bambi), “Peter Pan”, “Pocahontas”, cảnh đâm dao trong “Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ trong rừng), “The Little Mermaid” (Nàng tiên cá), cảnh bị thú vật tấn công trong “A Bug’s Life” (Thế giới côn trùng), “The Croods” (Cuộc phiêu lưu của nhà Crood), “How To Train Your Dragon” (Bí kíp luyện rông), “Finding Nemo” (Truy tìm Nemo), “Tarzan”…
Trong phim “Finding Nemo”, mẹ của Nemo bị cá nhồng ăn thịt khi bộ phim mới bắt đầu được 4 phút 3 giây. Trong “Tarzan”, cha mẹ của Tarzan bị giết bởi một con báo khi phim mới bắt đầu được 4 phút 8 giây…
Khả năng các nhân vật chính trong phim hoạt hình bị “thiệt mạng” là cao gấp 2,5 lần so với các nhân vật chính trong phim dành cho người lớn. Cha mẹ của nhân vật chính trong phim hoạt hình có nguy cơ qua đời lớn gấp 5 lần so với cha mẹ của nhân vật vật chính trong phim dành cho người lớn.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái của nhân vật chính thường là những nhân vật dễ qua đời đầu tiên trong phim hoạt hình.
Trong nghiên cứu này, chỉ những phim hoạt hình có nhân vật chính là người hoặc động vật mới được đưa vào thống kê, bởi khái niệm về cái chết không thực sự tồn tại đối với những nhân vật được nhân cách hóa như ô tô hay đồ chơi…
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.