Điều gây ngạc nhiên nhất, có lẽ, tác giả của những thước phim đó, chính là những bạn trẻ. Họ khai thác mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội, từ đối tượng quen thuộc như gia đình, bạn bè, người thân cho đến những đề tài “gai góc” của xã hội như bạo hành gia đình, tảo hôn,...
Cảnh trong phim “Chúng tôi đã cưới”.
Thông qua bộ phim “Nhà đối diện” - một trong 3 bộ phim được trình chiếu tại lễ tổng kết dự án “10 tháng 10 phim tài liệu” (do Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh TPD - Hội Điện ảnh và Đại sứ quán Hoa Kỳ vừa tổ chức), đạo diễn trẻ Lê Mỹ Cường mang đến cho người xem một góc nhìn khác về tình yêu của những người đồng tính.
Hay như phim “Chúng tôi đã cưới” (giải Búp sen Vàng do Ban giám khảo bình chọn năm 2014), xoay quanh đôi vợ chồng mắc hội chứng down. Hai nữ đạo diễn Mai Búp, Hà Phương đã tới ở tại nhà nhân vật trong một tháng, để quan sát và làm quen với cuộc sống của hai nhân vật, từ đó mang tới một bộ phim sự chân thực và cảm xúc hơn.
Chính những tác phẩm điện ảnh mới mẻ này cùng những thành công đạt được đã thổi một luồng gió mới, phần nào xoá đi định kiến trong mắt khán giả về thể loại phim tài liệu vốn tưởng chừng như nhàm chán. Những nhân vật “nhạy cảm” trong những câu chuyện nhạy cảm ở đây được hiểu nôm na là những hoàn cảnh éo le, những câu chuyện cá nhân không hề dễ dàng chia sẻ. Đứng từ một góc độ nào đó, họ còn là đại diện cho những câu chuyện kể về những góc khuất của xã hội.
Vậy làm thế nào để có thể truyền tải được những hình ảnh chân thực nhất của nhân vật trong bộ phim tới khán giả? Câu trả lời của đa phần các nhà làm phim tài liệu thành công hiện nay rất đơn giản. Đó là bắt nguồn từ sự chân thành của người làm phim đối với nhân vật. Sự chân thành ấy xuất phát từ việc chứng kiến câu chuyện, lắng nghe và cảm nhận, rồi chia sẻ câu chuyện này với những người xung quanh qua lăng kính điện ảnh.
Vẫn là những bộ phim bước ra từ dự án của TPD, nếu như 3 tác phẩm “Nhà đối diện”, “Mẹ con Hà”, “Chúng tôi đã cưới”- đều phản ánh cách nhìn của người thứ ba đối với câu chuyện của nhân vật, thì hiện nay, có rất nhiều tác giả lại chọn cách kể câu chuyện của chính bản thân mình hoặc gia đình mình, với góc nhìn của một người trong cuộc.
Tiêu biểu có thể kể đến phim ngắn “Cho tôi một vé về tuổi thơ” của đạo diễn Nguyễn Minh Phương hay “Những người ở lại” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Trang.
Nếu như “Cho tôi một vé về tuổi thơ” vẽ nên bức tranh sống động về gia đình với các góc nhìn đa chiều cùng vô số những câu hỏi chạm đến những điểm nóng của thực trạng giáo dục cũng như văn hoá gia đình Việt Nam thì “Những người ở lại” lại là một câu chuyện cảm động về tình cảm cha con trong gia đình sau khi người mẹ qua đời.
Điểm chung giữa 2 tác phẩm trên là việc cả 2 phim đều mang tới góc nhìn đa chiều của gia đình hiện đại, và những vấn đề họ đang phải đối mặt. Xem phim, bên cạnh việc hiểu hơn về nhân vật, ta còn có thể cảm nhận rất rõ hình bóng của chính đạo diễn trong phim.
Vào tối ngày 2/8 tới đây, Giải thưởng phim Búp sen Vàng thường niên của Trung tâm TPD sẽ được trao tại Hà Nội. Bên cạnh các hạng mục trao giải quen thuộc qua các năm bao gồm Búp sen vàng cho phim tài liệu xuất sắc nhất do giám khảo và khán giả bình chọn, Búp sen Vàng cho phim truyện xuất sắc nhất do giám khảo và khán giả bình chọn, Lễ trao Búp sen Vàng 2015 sẽ trao thưởng cho 3 hạng mục mới: “Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất”, “Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất” và “Tác phẩm xuất sắc nhất thực hiện bởi lứa tuổi học sinh trung học cơ sở”. Ban tổ chức giải thưởng cũng cho biết, những bộ phim đoạt giải “Búp sen vàng 2015” sẽ được mang trình chiếu tại nước ngoài trong thời gian tới.
Trước hiện tượng “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - một dự án phim độc lập thành công ở khâu phát hành, cơ hội để phim tài liệu của những đạo diễn trẻ bon chen ra rạp đang rộng mở. Đứng trước cơ hội, tại sao lại không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.