ĐBQH Dương Văn Thống (Yên Bái, ảnh VPQH).
Chiều 1.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội. Phát biểu góp ý ĐBQH Dương Văn Thống (Yên Bái) bày tỏ sự tán thành cơ bản về đánh giá tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, đồng tình với kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018.
“Vấn đề tồn tại hạn chế cần nhấn mạnh thêm hiện tượng không nghiêm trọng thực thi pháp luật, hiện tượng trì trệ, nhũng nhiễu của không ít cán bộ công chức”, ĐB Thống nói.
Theo vị ĐBQH tỉnh Yên Bái này, trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2018 nên có thêm yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm trước dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của cán bộ công chức.
“Sớm rà soát, sửa đổi pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, hình thức hợp tác công-tư, đầu tư BOT. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cử tri đã thấy kẽ hở liên quan đến vấn đề này từ đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, hết hỗ trợ này đến hộ trợ khác. Không quản lý được đất quy hoạch, không quản lý được hiện trạng sẽ làm thất thoát nguồn tiền ngân sách hay chuyển đổi mục đích đất không hợp lý hoặc chuyển mục đích của đất rừng, báo cáo là rừng không còn để chuyển đất sang mục đích khác sẽ gây thất thoát tài nguyên, tài nguyên này lại không thể tái sinh”, ĐB Thống bày tỏ.
Theo ĐB Thống, việc sửa chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, liên quan đến hợp tác công-tư, đầu tư BOT còn có tác dụng nắn lại nguồn tiền của nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, của người dân hướng vào hoạt động đầu tư, sản xuất, khắc phục đầu cơ đất đai, khắc phục việc mất rừng, mất cán bộ. “Đầu tư vào đất đai nếu lách các kẽ hở của chính sách, có cán bộ hư hỏng hỗ trợ, có thể phá vỡ quy hoạch, mang lại siêu lợi nhuận cho người đầu tư vào lĩnh vực này”, ĐB Thống nói.
Nói về thiệt hại do mưa lũ trong thời gian qua, ĐB Dương Văn Thống cho biết Yên Bái thiệt hại khoảng 1700 tỷ đồng, bằng 80% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong một năm. Thiệt hại về hệ thống giao thông, hệ thống kè, hệ thống thủy lợi, nhà trường, trạm y tế, người dân vùng thiên tai không có đất ở, đất sản xuất phải mất vài năm để giải quyết. Hiện Yên Bái còn 2150 hộ cần di chuyển gấp. Đề nghị Đảng và Nhà nước hỗ trợ cấp bách. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.