Phó Chủ tịch Q.1 chỉ đạo dỡ vọng gác công an có đúng quy định?

Xuân Lực Thứ ba, ngày 28/02/2017 18:55 PM (GMT+7)
Các luật sư đã đưa ra góc nhìn pháp lý liên quan đến quyết định tháo dỡ vọng gác công an ở vỉa hè trước khu vực Ngân hàng Nhà nước (TP.HCM) của ông Đoàn Ngọc Hải.
Bình luận 0

img

Vọng gác công an bị lực lượng chức năng quận 1 di dời khỏi vỉa hè trước khu vực Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM

Quyết định vội vàng?

Chiều 27.2, khi thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM thấy các vọng gác công an trên vỉa hè trước khu vực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM nên đến kiểm tra nhưng phía ngân hàng không cử đại diện ra làm việc.

Sau đó ông Hải đã yêu cầu lực lượng đi cùng lập biên bản, đồng thời cho tháo dỡ các chốt công an bảo vệ và hàng rào thép trên vỉa hè. Tuy nhiên, đến tối 27.2, các vọng gác công an trên vỉa hè trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã được lắp lại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hải cho biết, các quy định, văn bản mà phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM chưa đầy đủ và chính xác.

Trước đó, chiều 24.2, ông Hải cũng chỉ đạo lực lượng chức năng quận tháo dỡ trụ sở khu phố 6, đường Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành) xây dựng lấn chiếm vỉa hè.

Các quyết định kiên quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ của ông Hải nhận được nhiều ý kiến tán đồng nhưng một số ý kiến cũng đặt câu hỏi, quyết định tháo dỡ vọng gác công an và trụ sở khu phố 6 của ông Đoàn Ngọc Hải có đúng quy định của pháp luật?

Về câu hỏi trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) và luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý).

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện ra hành vi vi phạm, người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính.

Sau khi bị lập biên bản, cá nhân, cơ quan tổ chức có trách nhiệm phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định. Quá thời hạn này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, với những trường hợp vi phạm đơn giản như đỗ xe trên vỉa hè, treo biển quản cáo hay bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè có thể xử phạt ngay hoặc tạm giữ tài sản để xử lý.

Luật sư Kiên cho rằng, hành động kiên quyết, dứt khoát trong xử lý các công trình, phương tiện lấn chiếm vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải và lực lượng chức năng quận 1 rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, việc tháo dỡ vọng gác công an ở khu vực vỉa hè Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM để lấy lối đi cho người đi bộ là “hơi nóng vội”.

“Một công trình xây dựng nếu không đúng quy định, thì ngay từ khi mới xây lực lượng chức năng quản lý địa bàn phải yêu cầu dừng ngay. Còn khi công trình đã hoàn thiện dù sai quy định, chưa đầy đủ giấy tờ thì bắt buộc cơ quan chức năng phải lập biên bản, yêu cầu di dời theo trình tự.

Sau đó, nếu bên vi phạm không chấp hành dỡ bỏ trong thời hạn quy định thì lực lượng chức năng mới được quyền cưỡng chế tháo dỡ”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, trong trường hợp vọng gác công an ở vỉa hè trước Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM xây dựng trái quy định, thì theo đúng trình tự UBND quận 1 cần phải lập biên bản sau đó yêu cầu tháo dỡ, nếu phía Ngân hàng Nhà nước không chấp hành thì lúc đó mới cưỡng chế tháo dỡ, nếu thiếu giấy tờ thì có thể yêu cầu bổ sung.

“Nếu phía Ngân hàng chưa thể hiện ý chí không chấp hành việc di dời trong thời hạn quy định, mà Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã cho lực lượng tháo dỡ vọng gác công an này, tôi cho rằng là hơi vội vàng.

Ngân hàng Nhà nước là mục tiêu kinh tế chính trị cần được cảnh sát có vũ trang bảo vệ 24/24 vì vậy việc quận 1 cho lắp lại ngay trong đêm là hành động kịp thời”, luật sư Kiên nói.

Tương tự, về việc tháo dỡ trụ sở khu phố 6, luật sư Kiên cho rằng, nếu công trình này được xác định lấn chiếm hành lang vỉa hè thì UBND quận 1 cần lập biên bản, tháo dỡ có sự chấp thuận của lãnh đạo khu phố và lãnh đạo phường.

img

Ngay trong đêm 27.2, vọng gác công an được đưa trở lại vỉa hè trước khu vực Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM

“Đúng trình tự lúc nào mới có đường cho dân?”

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, việc Phó Chủ tịch UBND quận 1 xử lý kiên quyết, dứt khoát những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, giành lại lối đi cho người đi bộ là cần thiết. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Theo luật sư Tuấn Anh, nếu quá trình giải quyết, UBND quận 1 có căn cứ xác định trụ sở dân phố hay chốt công an bảo vệ dựng trên vỉa hè trước khu vực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM chưa đúng với quy định, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, vi phạm quy định tại Nghị định 46 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) thì lực lượng chức năng có thể lập biên bản yêu cầu di dời.

Khi phía Ngân hàng Nhà nước không chấp hành yêu cầu di dời, thì việc UBND quận 1 cưỡng chế di dời mới phù hợp.

“Nghị định 46 có quy định xử phạt với hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông...

Các cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải khắc phục hậu quả là buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật tư, vật liệu, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu”, luật sư Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu làm đúng trình tự, chờ cá nhân, tổ chức tự tháo dỡ trong thời gian quy định thì không biết lúc nào mới có đường cho người dân đi.

“Để một công trình xây dựng trái phép trên vỉa hè gây cản trở giao thông trong thời gian dài sẽ rất nguy hiểm, bởi khi đó người đi bộ phải đi xuống phần đường dành cho xe ô tô, xe máy như vậy rất dễ gặp tai nạn”, luật sư Tuấn Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem