Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng tiết lộ nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn mua tín chỉ carbon rừng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng tiết lộ nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn mua tín chỉ carbon rừng
P.V
Thứ ba, ngày 07/11/2023 16:20 PM (GMT+7)
Theo ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có những cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đạt được chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý, bảo vệ.
Trao đổi về công tác phát triển, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong khuôn khổ tọa đàm trực tuyến: "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị là một trong những tỉnh tiên phong trên toàn quốc trong việc định hướng các chủ rừng tham gia vào chuỗi đánh giá cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC ngay từ những năm 2011.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 23.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC (trong đó có gần 20.000 ha tập trung tại các công ty lâm nghiệp và diện tích còn lại ở các nhóm hộ, cộng đồng).
Tháng 11/2021, có 1.561ha diện tích rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và thôn Hồ, xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) được cấp chứng chỉ FSC và trở thành những cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được chứng chỉ FSC cho rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý và bảo vệ.
"Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 5 cộng đồng (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; thôn Hồ, thôn Cát, xã Hướng Sơn; thôn Xa Bai, xã Hướng Linh; thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) được cấp chứng chỉ FSC và FSC - ES với diện tích 2.144,85 ha rừng tự nhiên, tương ứng tổng lượng hấp thụ carbon hàng năm 7.000 tấn, tổng lượng lưu trữ là 350.000 tấn", ông Hà Sĩ Đồng cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cả 5 thôn đều là thành viên của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên về quản lý rừng bền vững, đó là Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị.
Hầu hết các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở 05 thôn đều là thành viên của ban quản lý rừng cộng đồng, do đó mọi thành viên trong thôn đều gắn bó và có ý thức tham gia vào các vấn đề liên quan đến rừng.
Kể từ khi được cấp chứng chỉ FSC, công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường để đáp ứng các yêu cầu của chứng chỉ; 5 ban quản lý rừng cộng đồng cũng cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu đánh giá FSC hàng năm; ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý rừng góp phần giúp 5 bản quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.
"Cộng đồng địa phương đã quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng của họ từ rất lâu trước khi được chứng nhận. Nhưng với chứng nhận FSC, họ có thể tiếp cận các nguồn lực mới để cải thiện các thực hành mà họ đã áp dụng qua nhiều thế hệ", ông Hà Sĩ Đồng khẳng định.
Ông Hà Sĩ Đồng cho biết thêm, khi rừng có chứng chỉ FSC, cơ hội nâng cao giá trị từ rừng cho các cộng đồng dân cư là rất lớn. Hiện tại, đối với diện tích rừng của các nhóm hộ cộng đồng này, Công ty Water Solutions South East Asia đang hợp tác thí điểm sản xuất than sinh học từ nguồn nguyên liệu tre có chứng nhận FSC.
Công ty Maxx Bamboo đang đàm phát phát triển chuỗi cung ứng mây nguyên liệu có chứng nhận FSC khai thác từ các rừng cộng đồng có chứng nhận FSC ở Quảng Trị.
Công ty Inproba Hà Lan đang đàm phán chi trả tự nguyện cho lượng hấp thụ carbon khoảng 1.500 tấn/năm, tương đương 15.000 Euro (1 tấn = 10 Euro).
Công ty Etifor - Italia đang đàm phán để tài trợ tự nguyện khoảng 50.000 Euro/năm cho cộng đồng để duy trì chứng chỉ FSC-ES, thực hiện bảo vệ rừng và phục hồi làm giàu rừng và trồng rừng các điểm sạt lở do thiên tai gây ra năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Hà Sĩ Đồng, tỉnh Quảng Trị đang gặp phải một số thách thức trong quá trình bảo vệ, phát triển rừng. Đó là điều kiện khí hậu thời tiết ở Quảng Trị rất khắc nghiệt; nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh về mùa hè, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Mùa mưa bão thường gây gãy đổ rừng, sạt lở, gây thiệt hại lớn cho ngành lâm nghiệp;
Điều kiện dân sinh kinh tế, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, cuộc sống dựa vào rừng, các phong tục tập quán: Phát rừng, đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra nên nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cao.
Giá gỗ nguyên liệu chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường, trong khi chu kỳ kinh doanh rừng dài, dẫn đến việc thu nhập từ phát triển rừng thiếu ổn định và thậm chí còn nhiều rủi ro; do vậy, chưa thu hút được các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển lâm nghiệp; chưa tạo được chuỗi liên kết từ trồng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản bền vững.
Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, việc thu hút đầu tư, phát triển các công trình, dự án có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông,… ở miền núi có ảnh hưởng đến các diện tích rừng đã tạo ra những áp lực rất lớn đối với phát triển sinh kế của người dân sống gần rừng cũng như cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
"Tỉnh Quảng Trị đã luôn định hướng, tạo điều kiện và đồng hành cùng các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình tham gia quản lý rừng bền vững cũng như tham gia vào thị trường bán tín chỉ cac-bon nhằm tạo thêm nguồn thu góp phần quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn", ông Hà Sĩ Đồng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.