Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn

PV Thứ tư, ngày 23/10/2024 06:06 AM (GMT+7)
Rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác… là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Bình luận 0
Cục Chăn nuôi đề xuất cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn  - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) chia sẻ về kinh tế toàn hoàn tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thúc đẩy chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xanh" sáng 22/10. Ảnh: Nguyễn Chương

Trao đổi với các đại biểu, nông dân về chăn nuôi tuần hoàn tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thúc đẩy chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xanh" sáng 22/10, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. 

Những năm gần đây, ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình này đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt, làm thức ăn cho gia súc. "Rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác… là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi", ông Chinh nói.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, thời gian qua trên cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành và đang được nhân rộng; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín với quy mô lớn và sản xuất theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn. 

Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chưa đầy đủ. Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định; thiếu hệ thống dữ liệu thông tin phụ phẩm nông nghiệp cho nên việc đánh giá tiềm năng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.

Cũng theo ông Chinh, khái niệm tuần hoàn xuất phát từ mô hình kinh tế tuần hoàn, giờ áp dụng vào các ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Về văn bản, hiện chúng ta mới đưa vào văn bản quản lý, về quy phạm vẫn chưa có văn bản bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Chăn nuôi theo quy mô tuần hoàn, đầu ra, đầu vào, đánh giá định mức kinh tế kỹ thuật... còn thiếu vắng.

Theo ông Chinh, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng quy chuẩn, quy định áp dụng cho các đối tượng chính nhưng chưa thể áp dụng cho các loại vật nuôi. Quy định liên quan phải được chứng nhận của các cơ quan nhà nước, trong đó có thuộc tính bảo vệ môi trường, tiết kiệm về tài nguyên khi sản xuất ra một sản phẩm chăn nuôi.

"Không chỉ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng chưa có quy định này trong chăn nuôi tuần hoàn. Theo đó, chúng tôi rất mong các báo đài, cơ quan truyền thông tích cực thông tin về mô hình tuần hoàn. Đã tuần hoàn thì phải sử dụng chất thải cho mô hình trồng trọt, chăn nuôi... Theo tôi, tuần hoàn phải tuần hoàn khéo kín, chất thải đưa ra bón cỏ, cây để phục vụ lại chăn nuôi.

Con gà chưa tuần hoàn được, nhưng có thể tham gia vào một số việc như làm phân bón,... gọi là phi tuần hoàn theo giai đoạn nhất định. Sắp tới, chúng ta phải phân loại cụ thể với từng loại vật nuôi để áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn.

Trong chăn nuôi, có nhiều loại khác nhau như dùng phân nuôi côn trùng, cung cấp sản phẩm protein, dùng phân hữu cơ quý cho cây trồng. Thực ra cần phải có quá trình, vì thế giới vẫn coi đây là mô hình mới và cần phải xây dựng quá trình, quy trình kèm theo. Theo tôi, chúng ta phải xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn mới có thể đẩy nhanh quá trình triển khai, thực hiện và áp dụng ở các trang trại, doanh nghiệp", ông Tống Xuân Chinh nói thêm.

Cục Chăn nuôi đề xuất cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn  - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn tại trang trại của anh Đặng Xuân Nam (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ảnh: TQ

Có thể kiểm soát chăn nuôi như một ngành có điều kiện

Về vấn đề này, ông TS. Nguyễn Đức Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thông tin thêm: Quyết định 150 của Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đã có, đề án kinh tế tuần hoàn số 687 cũng nói nên có thể nói khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được đề cập rất cụ thể.

Chúng ta cũng đã có quyết định về nông nghiệp hữu cơ và nhiều văn bản khác đều liên quan đến tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chăn nuôi cũng có đề cập. Chăn nuôi tăng trưởng xanh, tuần hoàn đặt ra yêu cầu phải sử dụng tối đa phế phụ phẩm 60-70 triêu tấn phế/năm làm thức ăn chăn nuôi nhưng ta mới chỉ dùng có được có 5%.

Theo TS.Trọng, chăn nuôi tuần hoàn xưa là các giải pháp thủ công (mô hình vườn - ao - chuồng) nhưng bây giờ phải dùng công nghệ. Phân gia cầm ủ theo truyền thống sinh nhiều CO2 giờ phải tác động kỹ thuật mới có thể giải quyết được. Theo đó, tuần hoàn trong chăn nuôi là yêu cầu tất yếu của thế giới và Việt Nam phải chủ động một phần. Ví dụ như làm phân hữu cơ vi sinh để dùng cho trồng trọt, mô hình ấy là cần thiết, diện rộng hay hẹp thì cũng phải phối hợp. Thể chế chăn nuôi cơ bản đã đầy đủ, có thể kiểm soát chăn nuôi như một ngành có điều kiện, sử dụng tối đa nguồn chăn nuôi trong nước để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các ngành khác, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín cho chăn nuôi, trồng trọt, giảm phát thải, tăng trưởng bền vững.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Nói là thế nhưng khó khăn hiện nay là sản phẩm chăn nuôi của ta đang xuất khẩu ít, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phải nhập 60-70% khiến cho giá thành chăn nuôi tăng lên, nên nông nghiệp tuần hoàn phải được xem là giải pháp giúp chúng ta chủ động một phần thức ăn, mà tốt nhất là thức ăn gia súc gia cầm vật nuôi ăn cỏ. 

Thực hiện không tốt thì phát sinh hệ lụy như trong việc thu gom chất thải. Không phải nông dân nào cũng làm tuần hoàn được, vừa chăn nuôi trồng trọt, chế biến phân bón. Nếu không làm được thì khó khăn, chính sách, giải pháp thu gom ra làm sao?

Ví dụ trang trại không có cây, ao thì làm sao? Chăn nuôi càng lớn thì chất thải càng lớn, lợn nhiều, bò có thể không nhiều. Do vậy tuần hoàn thế nào phải có kết hợp, cuối cùng phải có sản phẩm cạnh tranh được. 

"Nếu làm không tốt, không an toàn, không truy xuất được nguồn gốc thì ngay tại thị trường trong nước của ta cũng đã mất sân, hàng ngoại sẽ tràn ngập. Nên phát tiển chăn nuôi bền vững thì phải tính đến tất cả các điều kiện mà tôi nói ở trên, bởi trong nước đã phải tuân thủ kỹ thuật, chưa nói đến các nước mà mình muốn xuất khẩu sản phẩm, đó cũng là thách thức cho chăn nuôi của chúng ta", ông Trọng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem