Ngày 29.4, TAND quận 5 (TP.HCM) mở phiên tòa sơ thẩm vụ PGS-TSKH Phan Dũng kiện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau khi xét xử, tòa tuyên bố nghị án kéo dài đến ngày 5.5 sẽ tuyên án.
40 năm công tác và 25 từ “không”
PGS-TSKH Phan Dũng năm nay 66 tuổi và hiện là giảng viên Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong vụ án này, ông Dũng kiện ĐH KHTN, nơi ông từng công tác trước đây, cùng với hiệu trưởng và trưởng phòng Tổ chức - hành chính. Lý do: Ông cho rằng nhà trường và những người liên quan đã xúc phạm danh dự, làm nhục, vu khống và buộc ông phải nghỉ hưu.
Tại tòa, ông Dũng cho biết gần 40 năm làm việc tại ĐH KHTN, có 23 năm giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Sáng tạo khoa học - kỹ thuật của trường. Năm 2014, trường này đã có thông tin không đúng về quá trình công tác của ông dưới dạng văn bản để ra quyết định cho ông nghỉ hưu mà không chấp nhận đề nghị kéo dài thời gian công tác theo nguyện vọng của ông.
Ông Dũng trình bày sau khi có quyết định, ông khiếu nại nhà trường theo trình tự nhưng bị bác. Ông tiếp tục khiếu nại đến ĐH Quốc gia TP.HCM. Khi cơ quan này chưa có kết luận thì ngày 29-8-2014, ĐH KHTN đã ra quyết định cho ông nghỉ hưu.
Theo ông Dũng, nhà trường và những người liên quan đã có tám văn bản xúc phạm ông. Đặc biệt văn bản đề xuất ngày 21-4-2014 của trưởng phòng tổ chức hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt và vu khống khi đánh giá ông: “không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại đơn vị”; “không tham gia giảng dạy tại khoa Vật lý”; “không có bài báo, công trình khoa học nào”…
Ông Dũng yêu cầu tòa buộc bị đơn cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi công khai và bồi thường danh dự tượng trưng cho ông 1.000 đồng.
PGS-TSKH Phan Dũng trước khi bước vào phiên tòa mà ông là nguyên đơn. Ảnh: Hoàng Yến
Bị đơn: Không hề vu khống, xúc phạm
Tại tòa, đại diện bị đơn cho rằng các văn bản mà ông Dũng viện dẫn thực chất chỉ phổ biến trong nội bộ, không đưa ra ngoài. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng phía bị đơn có hành vi vu khống, nói sai sự thật với ông Dũng.
Phía bị đơn cũng phản tố, yêu cầu ông Dũng ngừng “phát tán thông tin”, “cải chính thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường trong thời gian qua”. Nhà trường cũng đã có thiện chí khi thu hồi quyết định nghỉ hưu nhằm tạo điều kiện để ông Dũng chuyển công tác; trường chưa bao giờ ra văn bản có tính chất xúc phạm hay có nội dung bôi nhọ danh dự giảng viên.
Theo bị đơn, việc nguyên đơn yêu cầu xin lỗi, cải chính là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Mỗi bên đều giữ nguyên quan điểm
Luật sư của bị đơn khẳng định lập luận trong các văn bản của phòng Tổ chức - hành chính trường đều dựa trên báo cáo phòng, ban liên quan gửi về. Phòng Nghiên cứu khoa học của trường xác nhận trong nhiều năm qua ông Dũng không đăng ký đề tài, công trình nghiên cứu… Vì vậy, ông Dũng không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định.
Ngược lại, ông Dũng cho rằng “đăng ký đề tài, công trình với nhà trường là thủ tục nhằm xin kinh phí. Vì ông chủ động kinh phí nên ông không làm động thái trên. “Thực tế tôi có nhiều đề tài, công trình khoa học đăng tải trên tạp chí trong và ngoài nước… Không thể vì kết luận không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà phủ nhận cống hiến của tôi” - ông Dũng nói.
Luật sư của nguyên đơn cũng phản bác dù ông Dũng thuộc biên chế khoa Vật lý nhưng đã được nhà trường giao nhiệm vụ thành lập, đứng đầu Trung tâm Sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Ông là người quản lý, gầy dựng trung tâm này 23 năm qua. Việc nhà trường căn cứ vào chi tiết “biên chế khoa Vật lý” rồi quy kết là trái bản chất sự việc.
Luật sư cũng cho rằng bị đơn cố tình thu thập, xử lý sai báo cáo của các phòng, ban. Và việc bị đơn nói nguyên đơn phát tán thông tin một chiều là không đúng, ông Dũng chỉ phản ánh bức xúc cá nhân. Điều này pháp luật không cấm...
Do vụ án phức tạp, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và dự kiến đến ngày 5.5 tới sẽ tuyên án.
Nguồn cơn bức xúc
Kết thúc phần tranh luận, kiểm sát viên tại tòa nêu quan điểm: Nhà trường chịu trách nhiệm cao nhất về quy trình, chương trình giảng dạy, quản lý sinh viên và giảng viên. Vì vậy, việc đổ hết lỗi cho giảng viên trong cả quá trình công tác, giảng dạy là không hợp lý. Đây chính là nguồn cơn bức xúc của nguyên đơn.
|
Hoàng Yến (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.