Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không vì vài cá nhân mà để gây thiệt hại lớn nếu dịch Covid-19 lây lan

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 26/03/2021 20:25 PM (GMT+7)
Đến nay, Việt Nam đã có 4 ca nhập cảnh trái phép, khiến nhiều tỉnh lại phải vào cuộc truy vết tốn kém, vất vả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bình luận 0
Chiều 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, thảo luận về tình hình dịch bệnh trong khu vực, trên thế giới, siết chặt các biện pháp ứng phó khi ghi nhận 2 trường hợp nhập cảnh trái phép bị nhiễm Covid-19, công tác chuẩn bị chủ trương “hộ chiếu vắc xin”, bảo đảm nguồn cung vắc xin.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không vì vài cá nhân mà để gây thiệt hại lớn nếu dịch Covid-19 lây lan - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Báo cáo tình hình dịch bệnh trên thế giới, đại diện Bộ Y tế cho biết, tính đến 12h ngày 26/3, thế giới ghi nhận hơn 126 triệu ca mắc Covid-19. Hiện hơn 500 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới sau chưa đầy 4 tháng kể từ khi triển khai tiêm chủng. Đến nay, vắc xin đã được tiêm 140 nước trên thế giới, trong đó 39% số liều vắc xin được tiêm ở Mỹ và châu Âu. Trung bình, mỗi ngày có 12 triệu liều vắc xin được tiêm trên thế giới.

Ở trong nước, sau 6 ngày liên tiếp (tính từ ngày 19/3) không ghi nhận ca mắc mới, đến ngày 25/3, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp công dân Việt Nam nhiễm Covid-19: 1 trường hợp ở Hải Phòng, 1 trường hợp ở TP.Hồ Chí Minh (bệnh nhân 2580), đều là các trường hợp từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc lúc 5h ngày 22/3 trên tàu cá (có khoảng 10 người).

Nguy cơ dịch Covid-19 lớn từ nhập cảnh trái phép

Để tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương có trường hợp liên quan đến ca nhiễm mới tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh cùng 2 trường hợp nói trên, lập danh sách người tiếp xúc gần và có liên quan…, tổ chức điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm theo quy định.

TP.Hồ Chí Minh đã có kết quả xét nghiệm âm tính 8/8 trường hợp F1 của bệnh nhân 2580; 23/28 trường hợp F2 âm tính với virus SARS-CoV-2 và đang chờ kết quả xét nghiệm của 5 trường hợp còn lại.

Đến 6h ngày 26/3, Hải Phòng thông báo kết quả xét nghiệm âm tính của 21/22 trường hợp F1 (1 trường hợp đang chờ kết quả). Quảng Ninh truy vết 6 người: 3/5 người trên cùng chuyến bay có kết quả âm tính, 1 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.1 nhân viên Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng có tiếp xúc, đang chờ kết quả xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không vì vài cá nhân mà để gây thiệt hại lớn nếu dịch Covid-19 lây lan - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Đình Nam

TP.Hà Nội có 76 người trên cùng chuyến bay với trường hợp mắc Covid-19 ở Hải Phòng, trong đó có 4 trường hợp F1 (1 tiếp viên có biểu hiện đau rát họng, đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, 3 trường hợp còn lại đã được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung), 72 trường hợp còn lại đang tiếp tục được các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly tại nhà. 

Tỉnh Bình Dương có 8 trường hợp F1 được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 25/3, đi cách ly tập trung và đang chờ kết quả xét nghiệm. Cùng với đó, 12 địa phương trên cả nước có hành khách cùng chuyến bay về các địa phương đang tiếp tục được rà soát.

Liên quan đến việc ghi nhận các ca nhập cảnh trái phép dương tính với virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp bởi có cả đường bộ và đường biển, do đó, vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại. “Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm với các trường hợp nhập cảnh trái phép không khai báo

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm để phát hiện càng nhanh càng tốt các ca bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra. Bộ trưởng nêu rõ: “Hầu như các địa phương khi xảy ra dịch vẫn còn luống cuống".

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới và nhất là các nước trong khu vực diễn biết rất phức tạp. Hai ngày qua, mỗi ngày thế giới ghi nhận trên nửa triệu ca mắc mới. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới. 

Một mặt các địa phương quản lý thật chặt, không cho nhập cảnh trái phép, mặt khác khẩn trương thực hiện theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các tỉnh biên giới hợp tác với các tỉnh giáp biên nước bạn, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của nước bạn. 

Trong trường hợp cần thiết phải về nước thì cần tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp.

Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm. Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh trên toàn quốc tham mưu chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác nắm thông tin, tuyên truyền, vận động những người dân có người thân ở nước ngoài và cam kết nếu về thì bằng đường hợp pháp. Mọi người dân cần thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo.

Riêng những người đi cùng trên thuyền nhập cảnh trái phép với hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ đường biển, các cơ quan chức năng yêu cầu những người này trình diện ngay lập tức, nếu không khi bị phát hiện ra dứt khoát xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

“Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Vắc xin Covid-19 đang thiếu nguồn cung

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin Covid-19 đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không vì vài cá nhân mà để gây thiệt hại lớn nếu dịch Covid-19 lây lan - Ảnh 4.

Đến nay đã có hơn 42.000 mũi vắc xin Covid-19 được tiêm cho nhóm ưu tiên.

Thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, lô vắc xin Covid-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Facility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4, không có liều vắc xin nào về Việt Nam. Thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam và không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những vắc xin Covid-19 nhập khẩu về Việt Nam phải là những vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được thực hiện nhập khẩu các loại vắc xin này. Việc tiêm vắc xin phải được thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc ngành y tế. Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế và Bộ Y tế mong muốn bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quan hệ đối tác với những công ty sản xuất vắc xin trên thế giới tăng cường tiếp cận để có nguồn vắc xin Covid-19 dồi dào cho Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế đã có phương án tiêm vắc xin Covid-19 đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu, trong đó có các lực lượng phòng chống dịch, hay phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như hàng không, vận tải, ngân hàng…

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước theo tinh thần tiến hành các bước thử nghiệm khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thử nghiệm và thực hành quốc tế về thử nghiệm vắc xin.

Cuối cùng, Ban Chỉ đạo lưu ý, từ trước khi có vắc xin Covid-19, Việt Nam vẫn chống dịch tốt. Hơn nữa, để tiêm vắc xin Covid-19 đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì còn là một câu chuyện dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, ở mức cao nhất các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như đã thực hiện từ trước đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem