Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra điểm “lạ” của các ngân hàng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 16/10/2019 07:15 AM (GMT+7)
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu như các ngân hàng không hợp vốn thì sẽ không cung ứng đủ vốn cho các dự án lớn cho các dự án lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam là một ví dụ. Quy chế hợp vốn đã có, tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một việc rất “lạ đời” đó là nhiều ngân hàng rất thích làm "leader".
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị ngành ngân hàng có những giải pháp chia sẻ rủi ro đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, là 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương.

Ngân hàng “chắc lép”, doanh nghiệp khó tồn tại

img

Toàn cảnh hội nghị

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng đề án xử lý nợ xấu cho các dự án yếu kém nhất là 12 dự án hiện nay với dư nợ hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng nói, “Về mặt chính sách, chúng tôi sẽ khẩn trương phê duyệt quy chế xử lý rủi ro của ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để xử lý phần của nhà băng này. Còn phần của các tổ chức tín dụng khác (TCTD), chúng ta cũng phải áp dụng tối đa. Cái nào của thẩm quyền của ngân hàng, của doanh nghiệp thì các ngân hàng, doanh nghiệp xử lý. Vấn đề gì cần thiết mà cấp bách, đặc biệt thì các ngân hàng chọn những cơ quan có thẩm quyền để cho những cơ chế đặc biệt”,

Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cung cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2019 là 20.063 tỷ đồng, giảm 373 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2019.

Theo Phó Thủ tướng, hiện tại các lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất sốt ruột trong việc giải quyết các dự án yếu kém này. Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có 2 vướng mắc lớn nhất, đó là xử lý về mặt pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng EPC. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay còn tới 6 dự án đang vướng mắc trong vấn đề này. Nếu không giải quyết được thì mọi phương án đều không thể xử lý.

Vấn đề thứ hai liên quan tới chia sẻ rủi ro từ khấu hao, tín dụng…Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều khoản vay tại các dự án này đã được các ngân hàng trích lập dự phòng hết. Vì vậy, các ngân hàng hãy chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. “Doanh nghiệp có sống mình mới thu được khoản nợ ấy, nếu doanh nghiệp chết làm sao có tiền để ngân hàng thu hồi được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một trong những bất cập về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án yếu kém được Phó Thủ tướng chỉ ra đó chính là cơ chế “thu về 10 đồng thì cho vay lại 9 đồng”.

Theo Phó Thủ tướng, việc ngân hàng áp dụng chính sách thu về 10 đồng thì cho vay lại 9 đồng sẽ làm khó khăn cho doanh nghiệp. Như thế thì doanh nghiệp sẽ chết bởi không có vốn để hoat động.

Đơn cử như nhà máy đạm Ninh Bình, bây giờ cũng đã có những dự án hoạt động trở lại, giảm được lỗ. Hiện tại, nhà máy này chạy hết công suất, ra được kg nào bán hết chỗ đó. Nếu như ngân hàng có động thái giảm lãi suất thì doanh nghiệp mới có tài chính mới có động thái giảm khấu hao, giãn khấu hao, cơ cấu lại thời gian trả nợ.

“Chúng tôi làm trưởng ban chỉ đạo rất đau đầu về những vấn đề này. Suốt ngày người ta kêu là ngân hàng thu 10 đồng cho vay có 9 đồng. Mà các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro hết rồi thì thu được đồng nào hay đồng ấy thôi. Các đồng chí cứ “chắc lép” như thế này thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Nếu như các doanh nghiệp này không sống được thì khả năng hơn 20 nghìn tỷ kia không bao giờ thu hồi được.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vẫn có tư tưởng mình phải là số một

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Cũng tại Hội nghị sơ kết trực tuyến của NHNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đặt ra vấn đề hợp vốn của các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án lớn và chỉ ra điểm "lạ đời" đang tồn tại ở ngân hàng thương mại.

Theo Phó Thủ tướng, sắp tới đây có các dự án giao thông lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam nếu chúng ta không hợp vốn thì chúng ta không cung ứng đủ vốn.

Hiện tại quy chế hợp vốn đã có, tuy nhiên hiện nay còn tồn tại một việc rất “lạ đời” đó là nhiều ngân hàng rất thích làm leader. “Tôi là phải đứng đầu hoặc là tôi đứng chung với bạn là không chịu. Làm sao mà phải câu nệ như thế?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Nói về dự án cao tốc  Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay dự án này đã hủy đấu thầu quốc tế và ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước. Vậy thì vốn ở đâu?

Riêng về phía ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, ngân hàng phải nghiên cứu giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho các dự án lớn, trọng điểm. Vì vậy, các ngân hàng đừng cân nhắc, câu lệ quá. “Vẫn còn tư tưởng mình phải là số một. Tôi lấy ví dụ Vietcombank không ngồi chung với Vietinbank được, Vietinbank không ngồi chung với BIDV… Hợp nhau là cùng nhau làm chứ đâu phải là anh nào leader với không leader”, Phó Thủ tướng nêu chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ Tài Chính nghiên cứu cả phương án tài khóa cho dự án này. Trong đó, tính đến phương án Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu vay vốn về cho doanh nghiệp làm. Hiện, trái phiếu vay 20 năm lãi suất có 4%, các loại trái phiếu Chính phủ phát hành 30 năm, 15 năm… lãi suất cũng chỉ dưới 5%.

Với các dự án cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…

(Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem