Chuyện thẩm mỹ ở các cường quốc sắc đẹp
Nếu như thí sinh không tiết lộ hoặc bị tố từng nâng mũi, gọt mặt, chỉnh hàm… thì chúng ta chẳng hề biết được họ từng phẫu thuật thẩm mỹ để tham gia Hoa hậu Hoàn vũ. Thực tế, Hoa hậu Hoàn vũ cũng như rất nhiều các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới không hề khắt khe với các thí sinh từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ
Một loạt các Hoa hậu Hoàn vũ từng phẫu thuật thẩm mỹ trước khi tham gia cuộc thi như Natalia Glebova, Dayana Mendoza, Gabriel Isler. Các Hoa hậu Thế giới từng dao kéo cũng không ít, có thể lấy vài ví dụ như HHTG 2012 Ivian Sarcos, HHTG 2011 María Julia Mantilla, HHTG 2004 Edina Kulcsár… Thậm chí Á hậu 1 HHTG 2014 là Edina Kulcsár còn từng giành được Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ tại Hungary.
Một trường hợp “kinh điển” khác là Hoa hậu Juliana Borges của Brazil từng chuẩn bị cho cuộc thi HHHV 2011 bằng 19 lần lên bàn phẫu thuật.
Một giám khảo lâu năm của Hoa hậu Hoàn vũ tiết lộ có tới 30% thí sinh của cuộc thi từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ
Á hậu 1 HHTG 2014 là Edina Kulcsár còn từng giành được Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ tại Hungary
Tại đất nước của các hoa hậu là Venezuela, nơi tự hào với 6 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 Hoa hậu Quốc tế, 6 Hoa hậu Thế giớin thì phẫu thuật thẩm mỹ được cho là phần không thể thiếu trước khi mọi cô gái tham gia vào bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào.
Giám đốc một cuộc thi hoa hậu là bà Shanna Moakler tiết lộ mọi thí sinh đến từ Venezuela đều có sự biến đổi lớn để trở thành “những sinh vật hoàn hảo nhất hành tinh”. Bà nói thẳng rằng chúng ta sẽ chẳng nhìn các cô gái này tới lần thứ 2 nếu như thấy họ với vẻ đẹp nguyên bản chưa chỉnh sửa.
Thậm chí nhiều cuộc thi hoa hậu còn có phần thưởng là những suất phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí như ở Hungary, Mỹ, Colombia… Phần thưởng như vậy gợi ra luận điểm những cô gái đẹp nhất của cuộc thi vẫn không được cho là hoàn hảo và được khuyến khích tiếp tục hoàn thiện nhan sắc bằng phẫu thuật thẩm mỹ.
Người trong cuộc nghĩ gì về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ
Sự thật là nhiều cuộc thi sắc đẹp chấp nhận cả nhan sắc "trời ban" lẫn vẻ đẹp nhân tạo. Tuy nhiên điều này đã khiến công chúng đặt ra một câu hỏi rằng: Việc dễ dãi với chuyện dao kéo liệu có công bằng với những vẻ đẹp tự nhiên?
Chấp nhận thí sinh từng dao kéo có công bằng với các vẻ đẹp nguyên bản?
Người phát ngôn của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Charlene Smith khẳng định không có gì là bất công khi chấp nhận người đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Bà cho rằng khi không có quy định thì mọi thí sinh đều được quyền “dao kéo” để cải thiện nhan sắc, đó cũng là sự công bằng.
Ngay bản thân cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada cũng có khoảng 15% thí sinh từng trùng tu cơ thể và Charlene Smith nghĩ con số này là quá ít so với nhiều cuộc thi khác trên thế giới có tới 80% thí sinh từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Đại diện của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thế giới thì khá trung lập khi cho biết họ không khuyến khích các thí sinh có vẻ đẹp nhân tạo song họ cũng chẳng hạn chế và sẽ không đưa ra bất cứ quy định nào cho vấn đề này.
Hoa hậu Mỹ 1995 Shanna Moakler, người đang điều hành cuộc thi Hoa hậu bang Nevada rất thoải mái chấp nhận thí sinh từng thẩm mỹ bởi cô nghĩ người thắng cuộc dựa vào cảm quan của giám khảo. Bạn có thể được 10 điểm từ giám khảo này nhưng lại chỉ được 2 điểm ở giám khảo kia, vì thế thẩm mỹ hay không không quan trọng, miễn là đẹp.
Thậm chí Shanna còn động viên các thí sinh nên đi nâng ngực, sửa mũi, chỉnh răng để tăng tỉ lệ đặt cược vào họ. Tất nhiên trên cương vị một người điều hành cuộc thi sắc đẹp lớn, Shanna khẳng định cô không gây sức ép với thí sinh mà họ có thể toàn quyền chọn lựa cải tạo diện mạo bằng dao kéo hoặc mỹ phẩm.
Natalia Glebova
Hoa hậu Hoàn vũ 2005 Natalia Glebova là một “siêu phẩm thẩm mỹ” trong lịch sử các đấu trường nhan sắc hàng đầu hành tinh. Cô từng sửa tai, sửa mũi, chỉnh hàm…. Glebova nhận xét cô không cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ là gian lận bởi tiêu chí đánh giá nhan sắc là chủ quan, nó không giống như trong thể thao với các yếu tố định tính, định lượng rõ ràng.
"Nếu một thí sinh thi hoa hậu quyết định thay đổi ngoại hình của mình, nó không có nghĩa rằng cô ấy có thêm lợi thế. Một người phụ nữ có thể "thẩm mỹ hoàn hảo", nhưng vẫn có thể “trượt vỏ chuối” trên sân khấu nếu bài thuyết trình và tính cách tệ. Trong khi đó, một người có cơ thể khiếm khuyết vẫn có thể tỏa sáng tuyệt vời vì sự tự tin, thể hiện trên sân khấu và hào quang riêng của cô ấy." – Glebova chia sẻ.
Một góc tối sau chuyện thẩm mỹ để thành hoa hậu
Thành công của các hoa hậu thẩm mỹ Venezuela đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thiếu nữ khác. Tuy nó cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái, nó thể hiện rõ nét nhất ngay tại quê hương của các hoa hậu.
New York Post đưa tin các nhà máy sản xuất hoa hậu của Venezuela khuyến khích những trẻ em 12 tuổi sửa mũi và các cô gái 14, 15 tuổi nâng ngực. Cũng tại đây, những hình thức “tôi luyện” để thành hoa hậu cũng diễn ra theo cách vô cùng khó tin. Các học viên không ngại cắt bỏ một phần ruột của mình để gầy hơn, khâu màng nhựa vào lưỡi để giảm cảm giác thèm ăn hoặc mặc áo bó chẽn eo làm từ thạch cao.
Học viên thường được khuyên nên đi thẩm mỹ trước khi thi hoa hậu
Nhiều trẻ em tại lò luyện hoa hậu còn được tiêm kích thích tố để tăng chiều cao. Các học viên chuẩn bị đi thi hoa hậu luôn được yêu cầu cần phải chỉnh sửa một vài bộ phận trên cơ thể bởi theo giám đốc học viện đào tạo hoa hậu Belankazar là Alexander Velasquez: “Tôi không tin rằng Venezuela có phụ nữ đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết làm thế nào để sản xuất ra phụ nữ hoàn hảo. Đó là lý do tại sao chúng tôi vượt trội trong tất cả các cuộc thi sắc đẹp quốc tế."
Cơn cuồng say hoa hậu tại đây còn làm khổ nhiều gia đình nghèo. Bản thân Alexander Velasquez cũng cho biết đa phần cha mẹ của học viên chỉ có thu nhập 50 đô (khoảng 1 triệu đồng/tháng) nhưng dám chi một nửa số tiền này cho học phí và đồ trang điểm. Họ cũng ki cóp từng xu nhỏ để con cái có đủ tiền phẫu thuật thẩm mỹ.
Dayana Mendoza - Hoa hậu xuất sắc nhất của Venezuela cũng từng trải qua vô số ca dao kéo
Yorgelys Mero, một học viên 15 tuổi tại trường đào tạo hoa hậu Belankazar, nói với Daily Mail rằng giáo viên đề nghị cô cần thay đổi hình dáng mũi.
Mero sống trong ngôi nhà đổ nát với bà ngoại. Bà cô là người trả tiền cho niềng răng và đang chuẩn bị một khoản vay lớn để cháu phẫu thuật thẩm mỹ. Khoản tiền này chỉ có thể trả nếu như Mero có được một thứ hạng cao trong một cuộc thi nhan sắc.
Nhà hoạt động Taylee Castellanos tại Venezuela cực lực phản đối việc các lò luyện hoa hậu khuyến khích học viên phẫu thuật thẩm mỹ.
“Giấc mơ của mọi cô gái Venezuela là trở thành hoa hậu. Họ không khuyến khích phụ nữ hài lòng với vẻ đẹp tự nhiên nữa mà các cuộc thi hoa hậu ở đây lại quảng bá hình ảnh giả tạo, kêu gọi phụ nữ chỉnh sửa toàn bộ cơ thể” - Taylee Castellanos bức xúc.
Thu Hương (Tổng hợp )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.