Phơi lúa và rơm rạ trên đường có thể bị xử phạt đến 400.000 đồng

Theo Lao động Thứ bảy, ngày 03/06/2023 20:05 PM (GMT+7)
Nhiều năm nay, cứ vào dịp thu hoạch lúa là hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã… trở thành sân phơi lúa và rơm rạ của người dân. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và đã có những trường hợp xe ôtô bị rơm cuốn vào gầm gây cháy.
Bình luận 0

Những ngày này, miền Bắc đang trong vụ thu hoạch lúa và trên các tuyến đường quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn tại các địa phương thường xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.

Việc này không chỉ diễn ra tại đường làng, đường xóm trong các con ngõ nhỏ, mà thậm chí còn diễn ra ở đường quốc lộ nhiều phương tiện giao thông qua lại.

Phơi lúa và rơm rạ trên đường sẽ bị xử phạt đến 400.000 đồng - Ảnh 1.

Phơi nông sản trên đường quốc lộ cản trở giao thông. Ảnh minh hoạ: Trần Tuấn

Để tránh xe cộ đi vào nơi phơi thóc, nhiều người đã dùng gạch đá, cành cây để cảnh báo chỗ phơi và đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cùng đó, thóc lúa có thể làm lệch đường đi của bánh xe hoặc rơm, rạ quấn vào xe có thể gây cháy nổ vì khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận trong khi đó, rơm, rạ khô lại rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao.

Tại vụ thu hoạch lúa năm 2022 ở xóm Núi 2, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, một chiếc ôtô này đang lưu thông trên đường đã bị rơm mắc vào gầm xe gây cháy, do ngọn lửa lan quá nhanh, phần đầu xe bị thiêu rụi.

Còn trên Quốc lộ 37, đoạn qua địa bàn huyện Phú Bình và một số tuyến đường giao thông liên xã, liên xóm của các xã như: Nga My, Hà Châu, Tân Hòa... cũng luôn trong tình trạng kín rơm, trải đầy thóc.

Ngoài việc phơi rơm lấn chiếm lòng, lề đường, một số người dân còn sử dụng máy tuốt lúa lưu động để tuốt lúa ngay bên bờ ruộng, lề đường. Nhiều đoạn đường làng nhỏ, chiếc máy tuốt lúa to chiếm đến quá nửa phần đường gây cản trở việc đi lại của người dân.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X), việc phơi thóc, rơm rạ trên đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cản trở giao thông đường bộ" theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau: Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

"Để không tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm sân phơi, ngoài tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, chính quyền địa phương cũng cần xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhằm tạo tính răn đe, tránh để tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc", luật sư Nghĩa chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem