Phòng, chống bạo lực gia đình: Kéo nam giới vào làm... quan tòa

Lê San Thứ bảy, ngày 09/07/2016 06:10 AM (GMT+7)
Nhận thấy, chỉ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) thôi chưa đủ nên Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của nam giới, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong nhân dân.
Bình luận 0

Không phân biệt việc vợ, việc chồng

Sau tiếng loa thông báo, gần 30 nam giới là thành viên của Mạng lưới Nam giới ủng hộ phụ nữ thôn Nà Hỏi (xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) đã có mặt đông đủ tại nhà văn hóa thôn. Được tổ chức định kỳ 3 tháng 1 lần, buổi họp là cơ hội để các anh tìm hiểu các vấn đề liên quan đến gia đình, các biểu hiện của BLGĐ, cách phòng tránh hay những bí quyết để gìn giữ gia đình hạnh phúc.

img

Nhiều chị không biết đi xe máy, chồng sẵn sàng chở chị đi chợ phiên. 

Không đơn giản chỉ là tuyên truyền một phía từ ban chủ nhiệm câu lạc bộ, buổi họp diễn ra cởi mở và sôi nổi. Những câu chuyện về BLGĐ hay những bất hòa ngay tại khu dân cư được các anh em trực tiếp chia sẻ. Sinh động từ cách kể, cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề, các “quan tòa” không chuyên thảo luận bản chất, nguyên nhân của những vụ BLGĐ xảy ra trong thôn, xã thời gian vừa qua, những cách làm, bài học kinh nghiệm rút ra từ việc can thiệp giải quyết vấn đề của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương hay chính câu lạc bộ.

"Không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng, những người làm “địa chỉ tin cậy” còn phải có kiến thức, kỹ năng, năng lực hỗ trợ người bị  BLGĐ, có cơ sở vật chất có thể bố trí nơi tạm lánh cho họ. Do vậy, mô hình này đã thực sự là điểm tựa cho những người bị BLGĐ”.
Bà Hà Thị Liễu – Chủ tịch LHPN tỉnh Bắc Kạn

Phúc Lộc là xã đầu tiên thực hiện thí điểm Mạng lưới Nam giới ủng hộ phụ nữ. Chị Nông Thị Ty – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Lộc cho hay: Mạng lưới này được thành lập năm 2014, quy tụ hầu hết nam giới trên địa bàn xã tham gia. Mạng lưới tổ chức sinh hoạt hàng tháng với các hình thức sinh hoạt như tuyên truyền, kể chuyện, chia sẻ hoàn cảnh gia đình, hay làm các tiểu phẩm.

“Qua triển khai, ý thức của nam giới về BLGĐ đã thay đổi rất nhiều. Những công việc trước kia được cho là dành riêng phụ nữ như nấu cám lợn, đi lấy củi, rửa chén bát… Nay đã không còn sự phân biệt như vậy mà hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà với nhau, người này bận, người kia sẽ làm” – chị Ty cho hay.

Chị La Thị Đoàn (thôn Nà Hỏi) kể: Em tham gia hoạt động của Hội Phụ nữ, thỉnh thoảng được lên thị xã Bắc Kạn tập huấn 2 – 3 ngày. Em cũng sợ mẹ chồng trách vì không có ai làm việc nhà, chồng bảo “không sao, chồng làm cho, sẽ làm cả phần của vợ nữa, mẹ không nói gì được đâu”. Nếu không được chồng ủng hộ, chẳng biết bao giờ em bước chân ra khỏi thôn mà đi nơi này, nơi khác được. Đó là điều khiến em cảm động.

Hơn 250 địa chỉ tin cậy

Cùng với tổ chức các câu  lạc bộ khuyến thích sự tham gia của nam giới, hơn 250 địa chỉ tin cậy cũng được xây dựng tại các thôn, xã của toàn tỉnh Bắc Kạn. Bà Hà Thị Liễu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho hay: Các địa chỉ tin cậy này có thể là nhà của trưởng thôn, người có uy tín hay chi hội trưởng phụ nữ các thôn, bản. Thời gian qua, được sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các sở, ban, ngành chức năng như công an, tư pháp, rồi các đoàn thể, những địa chỉ tin cậy này hoạt động có hiệu quả hơn. Mỗi địa chỉ tin cậy có trách nhiệm tiếp nhận nạn nhân khi họ tự tìm đến hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giới thiệu; động viên nạn nhân về mặt tinh thần, chăm sóc y tế, hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu cho các nạn nhân không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè; bố trí nơi tạm trú cho nạn nhân...

Chị Sùng Thị H ở xã Phúc Lộc người từng bị BLGĐ chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi luôn xảy ra mâu thuẫn, chồng tôi thường xuyên say rượu rồi đánh đập vợ, có ngày anh đánh tôi 3 - 4 lần, cả lúc tỉnh rượu cũng vẫn đánh. Tôi chỉ biết cam chịu để cho chồng đánh, chứ không biết đi đâu vì sợ. Được các chị em mách cho địa chỉ tin cậy, mỗi lần chồng có dấu hiệu bạo hành, tôi đều tạm thời lánh chờ chồng tỉnh táo lại”.

Chồng chị H cũng được các cán bộ trong câu lạc bộ cùng tổ hòa giải giải thích, răn đe, giúp hiểu ra rằng dùng bạo lực với vợ là hành vi vi phạm Luật Hôn nhân- Gia đình, xâm phạm tự do cá nhân và có thể phải “ngồi tù”. Dần dần, với sự giúp đỡ của mọi người, chồng chị H đã bỏ rượu, không còn đánh chửi vợ nữa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem