Người 46 năm tìm tài liệu đề nghị phong tặng AHLLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng: "Tôi cảm động và thương anh"

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 03/06/2023 09:44 AM (GMT+7)
Đó là những chia sẻ đầy gan ruột của NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng khi biết tin đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình luận 0

 "Anh Bùi Văn Tùng được truy tặng AHLLVT tôi rất cảm động, thương anh nhiều hơn"

Ngày 3/6, trao đổi với PV Dân Việt, NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng - đạo diễn phim tài liệu lịch sử "Chuyện thật trưa 30/4/1975" cho biết, ông vừa nhận được thông tin đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT) cho đại tá Bùi Văn Tùng.

Người 46 năm tìm tài liệu đề nghị phong tặng AHLLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng: "Tôi cảm động và thương anh" - Ảnh 1.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng ngồi bên cố đại tá - chính ủy Bùi Văn Tùng thời điểm năm 2021. Ảnh: NVCC

"Khi nghe được thông tin anh Bùi Văn Tùng được truy tặng AHLLVT tôi rất cảm động, thương anh nhiều hơn là mừng. Đáng lẽ anh ấy phải được truy tặng AH LLVT từ lâu rồi. Con người anh ấy hiền lành như ông từ, một lòng một dạ theo Bác Hồ. Tôi thương và trọng ông như người anh lớn của mình. Cũng từng là lính, tôi nhận xét ông là một anh 'bộ đội Cụ Hồ' đúng nghĩa, luôn yêu dân, tin Đảng, đặt quân đội làm trọng, liêm khiết, liêm chính, không nói xấu, chỉ trích ai, không tranh công, giành quyền lực…", đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Chính bởi thế, đạo diễn Phạm Việt Tùng đã dành rất nhiều thời gian trong đời mình đi tìm nhân chứng, tư liệu để tái hiện lại ngày 30/4/1975. Ông đã làm sự kiện xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 (Binh chủng tăng thiết giáp) húc đổ cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập – làm nên giây phút lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Người 46 năm tìm tài liệu đề nghị phong tặng AHLLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng: "Tôi cảm động và thương anh" - Ảnh 2.

Trung tá Bùi Văn Tùng (bên trái) - chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

"Lịch sử là tấm gương phản chiếu, tôi muốn thế hệ sau có sự kế tụng những bằng chứng lịch sử. Tôi đeo đuổi ý nguyện đi tìm tài liệu đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng suốt 46 năm qua, kiên quyết theo đuổi đến cùng. Chính câu nói của cố nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ rằng 'tại sao nó (đại tá Bùi Văn Tùng) là trung cấp lại soạn thảo được lời tuyên bố đầu hàng (để tổng thống Dương Văn Minh đọc, và cũng chính là người đã thay mặt quân giải phóng tuyên bố chấp nhận đầu hàng, tuyên bố Sài Gòn được giải phóng) giỏi thế, chặt chẽ thế'.

Ngày 16/5/1975 ông Bùi Văn Tùng được lên báo cáo với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Quân uỷ Trung ương lúc đó, ông Tùng được đại diện cho quân đội được Chủ tịch nước ôm hôn, chứng nhân từ hình ảnh vẫn còn", đạo diễn Phạm Việt Tùng tâm huyết nói.

Gia đình con cháu đại tá Bùi Văn Tùng tự hào về người cha, người ông của mình

Ông cũng cho biết thêm, bản thân mừng cho vong hồn của đại tá Bùi Văn Tùng và gia đình con cháu tự hào về người cha, người ông của mình.

Người 46 năm tìm tài liệu đề nghị phong tặng AHLLVT cho đại tá Bùi Văn Tùng: "Tôi cảm động và thương anh" - Ảnh 3.

Ngày 16/5/1975, tại Phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập, chính ủy Bùi Văn Tùng thay mặt 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn được Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng ôm hôn. Ảnh tư liệu

Trước đó, trong thư gửi Chủ tịch nước, đạo diễn Phạm Việt Tùng nêu căn cứ kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo "xét thành tích cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của đại tá - chính ủy Bùi Văn Tùng, xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Bùi Văn Tùng".

"Tôi rất vui khi nhận được tin Chủ tịch nước đã yêu cầu xem xét đề nghị phong tặng đại tá Bùi Văn Tùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vì ông rất xứng đáng. Tôi đeo đuổi ý nguyện này đến nay đã 46 năm. Tôi chưa biết để đến với danh hiệu Anh hùng chính thức còn phải đi trên những đường dài nào và bao lâu nhưng tôi kiên quyết theo đuổi đến cùng", đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Phạm Việt Tùng: Đại tá Bùi Văn Tùng xứng đáng. Người anh hùng thật sự không thể bị che lấp, danh hiệu Anh hùng đối với ông sẽ là một ghi nhận công bằng. Nếu ông mất đi mới nhận được thì đó là điều tôi trăn trở nhất. Tài liệu đều đã tìm thấy, nhân chứng đã kể chuyện, tôi đã làm phim…

Để làm được những thước phim công chiếu 70 phút tôi phải đi đêm về hôm, làm nhiều lần suýt chết, lần mò chất liệu cho đúng. Tôi yêu nước, tôi chỉ muốn dân tộc có lịch sử đúng. Lịch sử của dân tộc chứ không phải cá nhân nào, từ đó tôi tìm cốt lõi, tìm được sự thật. Đại tá Bùi Văn Tùng là anh hùng trong lòng dân, không chỉ trong nước mà thế giới, đó là sự thật. Ông là người có học, được nhiều người kính trọng", vị đạo diễn bày tỏ.

Đại tá Bùi Văn Tùng sinh năm 1930 tại Đà Nẵng. Tháng 4/1975, ông mang cấp bậc trung tá, là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 và đã trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong ngày lịch sử 30/4/1975 tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn.

Ông chính là người đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng để tổng thống Dương Văn Minh đọc, và cũng chính là người đã thay mặt quân giải phóng tuyên bố chấp nhận đầu hàng, tuyên bố Sài Gòn được giải phóng.

Đại tá Bùi Văn Tùng từ trần lúc 3h10 ngày 9/2/2023, thọ 94 tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem