Bà Le Lieu Browne, vợ ông Malcolm Browne, cho biết hôm 27.8, ông Browne được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở New Hampshire, Mỹ do khó thở nhưng đã không qua khỏi. Năm 2000, ông được chẩn đoán mắc căn bệnh Parkinson và phải ngồi xe lăn trong những năm cuối đời.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2012/images/2012-08-29/1434703844-290812_the-gioi_browne1_dan-viet.jpg) |
Bức ảnh chụp Malcolm Browne năm 1964. |
Malcolm Browne là phóng viên của hãng thông tấn AP. Bức ảnh ông chụp hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1963 là một trong những hình ảnh biểu tượng về chiến tranh Việt Nam.
Khi đó, nhiều phóng viên nước ngoài đã được báo trước là sẽ xảy ra một sự kiện gây chấn động vào ngày 11.6.1963 nhưng chỉ có Malcolm Browne đến và chụp lại được hình ảnh này.
Bức ảnh sau đó xuất hiện trên trang nhất của hàng loạt tờ báo trên khắp thế giới và khiến Tổng thống Mỹ bấy giờ là John F.Kennedy phải xem xét lại chính sách đối với Việt Nam.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2012/images/2012-08-29/1434703844-290812_the-gioi_browne2_dan-viet.jpg) |
Bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giành giải “Ảnh báo chí xuất sắc nhất” năm 1963. |
Malcolm Browne sinh ngày 17.4.1931. Trong sự nghiệp 40 năm làm báo, ông Browne đã có tới 30 năm làm việc cho New York Times và chủ yếu là phóng viên chiến trường. Ông Browne đã bị thương 3 lần, bị trục xuất tại nhiều quốc gia và từng nằm trong “danh sách phải chết” ở Sài Gòn.
Năm 1964, ông Browne và phóng viên David Halberstam của tờ Times được nhận giải báo chí Pulitzer vì những bài viết về chiến tranh Việt Nam.
Ngọc Thúy
Theo AP
Vui lòng nhập nội dung bình luận.