Phụ huynh bức xúc trước các khoản "tự nguyện trên tinh thần ép buộc" đầu năm học: “Không đóng con có bị ảnh hưởng?”
Phụ huynh bức xúc trước các khoản "tự nguyện trên tinh thần ép buộc" đầu năm học: “Không đóng con có bị ảnh hưởng?”
Tào Nga
Thứ tư, ngày 25/09/2024 06:58 AM (GMT+7)
Bóc tách các khoản thu đầu năm học, nhiều phụ huynh thắc mắc không biết vì sao lại tồn tại những khoản này và nếu không tham gia thì liệu có bị ảnh hưởng đến việc học của con...?
Ngay sau khi tiếng trống khai giảng vang lên, nhiều phụ huynh đã chia sẻ ý khiến về những khoản thu của con trong năm học mới.
Bức xúc về khoản thu sổ liên lạc điện tử, trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Lê Thúy Quỳnh, một phụ huynh có con ở Hà Nội cho hay: ""Vì sao cần sổ liên lạc điện tử eNetViet trong khi phụ huynh và giáo viên có thể dùng Zalo để trao đổi miễn phí. Tôi thấy có trường đóng 5.000 đồng/tháng nhưng có trường lại đóng lên tới 35.000 đồng/tháng. Con số rất lung tung. Phụ huynh nào cũng nói là không cần thiết.
Bản thân mình cũng thấy đây là một khoản vô lý. Giáo viên chưa bao giờ nhắn tin gì cho phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử. Còn nếu nói để duy trì cơ sở dữ liệu ngành thì đó là của Bộ GDĐT tự xây dựng, tự duy trì chứ. Tại sao lại bắt phụ huynh phải đóng? Tôi không đóng thì có bị ảnh hưởng đến việc học của con?".
Một phụ huynh không đồng tình về các môn học tự nguyện nhưng trên tinh thần bắt buộc cho biết: "Đầu năm đi họp con học cho cấp 1 mà mình thấy rất nhiều môn phụ đạo: Kỹ năng sống, Stem, tiếng Anh liên kết (1 tuần 1 tiết mà tiếng Anh giao tiếp mình thấy như vậy quá ít để có thể giao tiếp tốt).
Thật sự mình khá bức xúc với việc đưa quá nhiều môn học ngoại khóa vào chương trình như thế này. Với mức lương làm công ăn lương mà nhiều môn phụ kiểu này gia đình không kham nổi. Không cho học thì một mình con một kiểu. Làm sao để bớt tình trạng học tự nguyện trên tinh thần ép buộc này bây giờ? Thật sự quá mệt mỏi cho cả phụ huynh và các con".
Câu chuyện về lắp điều hòa cũng được nhiều phụ huynh nhắc đến. Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một phụ huynh ở Hà Nội vẫn không hiểu vì sao lại phải viết giấy tặng điều hòa cho nhà trường trong khi đây là tiền của phụ huynh. "Tôi không biết sau khi con ra trường thì điều hòa này có được để lại cho các lớp không hay là các em khóa sau lại mua như con tôi. Không những thế, tôi thấy học sinh năm nào vào học cũng phải đóng tiền liên quan đến điều hòa. Trường thì đóng tiền mua cái mới, trường thì học sinh phải đi thuê, có nơi phải đóng tiền bảo trì điều hòa vài trăm nghìn. Tôi nghĩ ngành Giáo dục cần có quy định rõ ràng, tránh việc để các trường tự ý mỗi nơi làm mỗi kiểu gây bức xúc cho phụ huynh".
Mới đây, một phụ huynh của Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ khi nhận thông báo phải đóng khoản tiền "bảo trì ti vi" mức 100.000 đồng/học sinh.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc đóng góp để nâng cao chất lượng dạy và học cho con em mình. Tuy nhiên, việc thu tiền 'bảo trì ti vi' với mức 100.000 đồng/học sinh là chưa hợp lý. Ti vi có chế độ bảo hành rõ ràng, giờ lại phát sinh thêm tiền bảo trì nữa", một phụ huynh chia sẻ.
Ngay sau đó, hiệu trưởng trường này cho biết, nhà trường vừa thay thế ti vi 50inch cũ bằng ti vi thông minh 65inch trong năm học mới. Việc thu tiền bảo trì, ban giám hiệu sẽ làm việc lại và thông tin cụ thể sau. Đại diện Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai sau đó khẳng định, các trường ngoài công lập được tự chủ thỏa thuận học phí với phụ huynh. Tuy nhiên, ti vi là tài sản của nhà trường và nơi này có trách nhiệm bảo hành, bảo trì để phục vụ cho việc học tập của học sinh.
, các trường ngoài công lập được tự chủ thỏa thuận học phí với phụ huynh. Tuy nhiên, ti vi là tài sản của nhà trường và nơi này có trách nhiệm bảo hành, bảo trì để phục vụ cho việc học tập của học sinh.
Ngoài ra, còn nhiều các khoản thu kéo dài cả trang giấy khiến phụ huynh bất bình như tiền vệ sinh trường lớp, kinh phí tổ chức các ngày lễ... Phụ huynh thậm chí cũng không nghĩ rằng phải đóng tiền để chúc mừng các thầy ngày 20/10, 8/3.
Những khoản tiền nào nhà trường được phép thu?
Học phí là khoản thu mà người học phải đóng cho nhà trường theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐCP của Chính phủ. Mức thu học phí hằng năm được HĐND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.
Học sinh - sinh viên là nhóm đối tượng đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc. Điều này đã được quy định trong Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 1/7/2024, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại học sinh, sinh viên tự đóng 70%). Phụ huynh học sinh có thể đóng BHYT một lần hoặc đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng.
Ngoài khoản thu học phí và BHYT, người học còn phải đóng tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu. Khoản thu này áp dụng theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT. Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu - chi.
8 khoản tiền không được thu
Việc xã hội hóa để có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm những trang thiết bị dạy học hiện đại là cần thiết và cũng hướng tới phục vụ các em học sinh. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Cụ thể 8 khoản tiền không được thu gồm bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Các khoản thu theo thỏa thuận, quyên góp qua ban đại diện cha mẹ học sinh
Một số khoản thu khác như tiền ăn, chăm sóc bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống; học phẩm cho học sinh mầm non; dạy thêm, học thêm trong nhà trường… thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành, được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị. Tất cả các khoản thu trên phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban đại diện) là tổ chức của phụ huynh học sinh được bầu ra với nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Kinh phí để tổ chức hoạt động của Ban đại diện đã được quy định rõ tại Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Theo đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện lớp. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các Trưởng ban Ban đại diện lớp đầu năm học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.