Sau khi chồng qua đời, bà bắt đầu phá vỡ bức tường khép kín bằng những hoạt động công khai hơn. Nhờ đó, mọi người tại Mỹ và trên thế giới mới biết được một phần về những việc bà đã, đang và sẽ làm.
Người phụ nữ giản dị
Bà Laurene Jobs sinh ngày 6.11.1963 và lớn lên tại New Jersey (Mỹ), có cha là phi công hải quân và mẹ là giáo viên. Bà có bằng cử nhân của Đại học Pennsylvania và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Stanford. Tại ngôi trường đại học danh tiếng này, bà đã gặp Steve Jobs khi ông được mời đến thăm trường vào năm 1989. Như một định mệnh, hai ông bà được sắp xếp ngồi cạnh nhau.
Ông Jobs từng kể với Walter Isaacson – người viết cuốn tiểu sử Steve Jobs: “Tôi nhìn qua bên phải và thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi đó. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện với nhau”. Hai năm sau, họ kết hôn và có 3 người con. Bà Laurence sống cùng chồng con trong một ngôi nhà gạch đỏ giản dị mà họ mua cách đây 20 năm. Bà còn tự nuôi ong trong vườn và gửi bạn bè những hũ mật ong tự làm vào dịp Giáng sinh.
|
Bà Laurene Powell Jobs |
Marlene Castro – học trò của bà Laurene - nói rằng mãi sau này cô mới nhận ra bà Laurene là vợ của người đứng đầu Hãng Apple danh tiếng - Steve Jobs - qua một bài báo. Nếu không có sự giúp đỡ của bà Laurene, cô không thể là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Khi biết cô ấy là ai, tôi kính trọng cô ấy hơn 10 lần, vì cô ấy giản dị và khiêm tốn làm sao”. Những câu chuyện tương tự thường được bạn bè, đồng nghiệp kể lại về Laurene Jobs - một tỷ phú giản dị, luôn sống kín đáo, tránh sự ồn ào của giới truyền thông. Bà không thích nói về bản thân, tất cả cuộc sống của bà là chồng, ba người con và những việc làm thầm lặng.
Nhà từ thiện thầm lặng
Trong suốt hơn 20 năm, gia đình Jobs nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ giới truyền thông vì thiếu những hoạt động từ thiện. Nhưng sự thật thì ông bà Jobs đã dùng hàng triệu USD để giúp đỡ những người nghèo khó một cách âm thầm. Bà Laurene đã thành lập Công ty TNHH Emerson Collective theo mô hình kinh doanh nhỏ, nhằm trợ cấp cho những chương trình thiện nguyện hoặc chiến dịch chính trị mà không cần báo cáo công khai, để đổi lấy sự thoải mái và kín đáo về số tiền họ cho. Trả lời New York Times, bà nói: “Tôi muốn dùng kiến thức và mối quan hệ của mình để làm những điều tốt nhất cho mọi người”.
Laura Andreessen - bạn thân của bà - cho biết: “Cô ấy không quan tâm đến việc được công nhận hay ca ngợi và chỉ muốn góp phần thay đổi những số phận kém may mắn. Nếu tính tất cả những đóng góp của cô cho từ thiện được công khai trên báo đài, bạn chỉ mới biết được ít hơn 1% những việc cô ấy đã làm”. Một trong những hoạt động nổi bật của bà là việc đồng sáng lập trường College Track vào năm 1997, nhằm hỗ trợ những học sinh nghèo được vào đại học. College Track có 7 trung tâm trên nước Mỹ. Chương trình bao gồm dạy kèm, những hoạt động ngoại khóa và các lớp học lãnh đạo. Có 90% trong số 1.400 em tham gia vào chương trình của College Track đã tốt nghiệp trung học. Chris Seruge, 17 tuổi, đang học tại College Track ở San Francisco cho biết: “Đó là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Không có tổ chức này, tôi sẽ rất vất vả”. Mặc dù bà Laurene là nhà tài trợ chính cho trường nhưng bà không bao giờ tiết lộ bà đóng góp bao nhiêu.
Nhiệt huyết vận động cải cách
Thông qua trường College Track, bà biết được nhiều học sinh đến Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ, nên không đủ khả năng tài chính để học đại học. Vì thế, bà tích cực vận động quốc hội thông qua “Đạo luật giấc mơ” để những người trẻ tuổi nhập cư trái phép vào Mỹ có quốc tịch. Khao khát có thể thay đổi luật di trú tại Mỹ đã đưa bà vào tâm điểm chú ý của giới truyền thông nhiều hơn. Khẩu hiệu của đạo luật này là “Phát triển - Trợ cấp - Giáo dục cho trẻ vị thành niên nước ngoài”.
|
Bà Laurene cùng chồng – “huyền thoại” Steve Jobs năm 2011 |
Khi đạo luật không được quốc hội thông qua, bà thể hiện sức mạnh chính trị và kinh tế của mình bằng cách thuê vị đạo diễn và sản xuất phim nổi tiếng Davis Guggenheim để thực hiện bộ phim dài 30 phút với tên gọi Thực hiện giấc mơ vào tháng 9 năm ngoái. Bộ phim nói về những người nhập cư trẻ trái phép khao khát thành công ở Mỹ, được trình chiếu trong quốc hội và đăng trên website cho mọi người cùng suy ngẫm và được trình chiếu rộng rãi ở tất cả trường đại học trên khắp nước Mỹ và nhà thờ. Bà còn vận động hành lang quốc hội, hối thúc Tổng thống Barack Obama phải hành động để mang lại diện mạo mới cho nước Mỹ. Tuy nhiên, bà cũng vấp phải sự chỉ trích của những người phản đối cải cách luật nhập cư.
Bà cho biết: “Bất chấp những thất bại và chống đối, tôi vẫn làm việc hết sức để đem đến cơ hội cải thiện cuộc sống cho người khác. Tôi bị hối thúc bởi những cảnh đời khó khăn của các học sinh và gia đình họ. Tôi sẽ không bỏ cuộc. Bởi vì có quá nhiều cuộc đời bị quên lãng, những tài năng bị lãng phí. Hãy biến nước Mỹ trở thành mảnh đất của cơ hội một cách thực sự. Chúng ta có những luật lệ cần phải thay đổi để tất cả mọi người cùng thành công”. Việc làm của bà phần nào được đền đáp khi kết quả một cuộc khảo sát của đài NBC có khoảng 2/3 người Mỹ đồng ý nên cấp quyền công dân cho những người nhập cư trái phép. Cuộc khảo sát của báo Los Angeles Times vào tháng 3 vừa qua cho thấy chỉ 19% người dân California cho rằng nên trục xuất những người nhập cảnh trái phép.
Trong hơn 20 năm sống cùng Steve Jobs, Laurene là một nhà từ thiện thầm lặng sau lưng chồng. Bà là người phụ nữ giàu thứ 9 trên thế giới với khối tài sản kếch xù lên đến 11,5 tỷ USD. Khi chồng bà qua đời, bà đã tiếp tục thực hiện những ước nguyện của chồng bằng cách công khai hơn trong các chương trình thiện nguyện. Không chỉ trong phạm vi Hoa Kỳ, bà hỗ trợ rất nhiều các chương trình từ thiện tại châu Phi với những hoạt động ý nghĩa để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người thiếu may mắn nơi đây, bà cũng là thành viên của Hội Bảo tồn thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng những hoạt động của bà cần được ủng hộ để có thể đem lại một chút gì đó an ủi cho những mảnh đời kém may mắn.
Steve Jobs (1955 – 2011) là người đồng sáng lập và là cựu CEO của Hãng Apple danh tiếng. Thế giới biết đến ông như một người tiên phong vĩ đại của cuộc cách mạng điện tử. Di sản mà Steve Jobs để lại từ những chiếc máy tính đơn giản đến các sản phẩm thời thượng như iPhone, iPad cho thấy ông thực sự có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thời đại kỹ thuật số hiện nay. Thành công không đến với ông một cách dễ dàng, ông đã phải đứng lên từ những khó khăn, thất bại bằng cá tính mạnh mẽ và quyết đoán của mình. Tai họa ập đến với gia đình hạnh phúc khi Steve Jobs bị ung thư và qua đời ở tuổi 56 vào ngày 5.10.2011.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.