Phụ nữ khuyết tật nguy cơ chịu gánh nặng kép

Diệu Bình Chủ nhật, ngày 22/11/2020 06:15 AM (GMT+7)
Mặc cảm về khuyết tật, bị cô lập, khó khăn khi di chuyển, tìm người giúp đỡ khiến phụ nữ khuyết tật dễ bị bạo lực gia đình (BLGĐ) và nếu bị thì có mức độ trầm trọng hơn phụ nữ bình thường.
Bình luận 0

Nỗi đau "kép"

Chị Ngô M.H (29 tuổi) là bị liệt do biến chứng sốt virus từ nhỏ. Chị chỉ được học hết cấp I vì anh trai cõng chị đến trường nên chị "xấu hổ". Gia đình nghèo nên không mua cho chị xe lăn, chị chỉ lết trên 2 chiếc ghế gỗ. May mắn, năm 18 tuổi, chị được 1 tổ chức giúp đỡ, cho chị một chiếc xe lăn và giúp chị đi học nghề. Chị có thể kiếm được chút tiền để nuôi sống bản thân.

Phụ nữ khuyết tật nguy cơ chịu gánh nặng kép - Ảnh 1.

Người khuyết tật tham gia cuộc thi “Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục” do Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức. Ảnh: P.V

Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (trong đó có khoảng 3,5 triệu phụ nữ). PNKT có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp 3 lần so với nam giới khuyết tật, đồng thời phải chịu sự phân biệt đối xử kép.

Tại lớp học nghề, một người đàn ông có khiếm khuyết ở cánh tay đem lòng yêu chị. Dù hai gia đình ngăn cấm nhưng cuối cùng tình yêu vẫn chiến thắng. Chị đã sinh một cô con gái xinh xắn. Tuy nhiên, sau đám cưới, người chồng bộc lộ tính gia trưởng và những sở thích tình dục quái đản...

"Mỗi khi anh ta tấn công tôi, tôi không thể chạy đi đâu được. Hơn nữa, tôi cũng rất mặc cảm với hoàn cảnh, thân thể mình. Tôi không muốn mất gia đình" - chị H tâm sự.

Điều tra quốc gia về BLGĐ 2019 vừa công bố cho thấy, phụ nữ khuyết tật (PNKT) thường có nguy cơ bị BLGĐ hơn phụ nữ không khuyết tật. Trong số gần 6.000 người được hỏi, có 9% PNKT, và hơn 9% trong số họ đã kết hôn hoặc có bạn tình.

Kết quả, có đến 33% PNKT từng bị bạo lực thể xác do chồng/bạn tình gây ra so với 25,3% ở nhóm phụ nữ không bị khuyết tật. 19,8% PNKT bị bạo lực tình dục (phụ nữ không khuyết tật là 12,6%); bao lực tinh thần là 54,5% (phụ nữ không khuyết tật là 43,5%); kiểm soát hành vi là 33,5% (phụ nữ không khuyết tật là 26,7%); bạo lực kinh tế là 24,4% (phụ nữ không khuyết tật là 20,2%).

PNKT chịu nhiều thiệt thòi

Kết luận điều tra quốc gia về BLGĐ 2019 nhận định: "Phụ nữ bị bạo lực thường dễ bị cô lập và bị tách khỏi các nhóm cộng đồng. Khuyết tật còn có thể làm sự cô lập này trầm trọng thêm và khiến cho PNKT có nguy cơ cao bị tổn hại cao hơn".

Ngoài ra, kết quả phỏng vấn định tính và thảo luận nhóm với PNKT cho thấy họ khó kết hôn hoặc khó duy trì mối quan hệ lâu dài hơn so với nam giới khuyết tật. PNKT thường kết hôn với nam giới khuyết tật trong khi đó nam giới khuyết tật lại thường kết hôn với người không khuyết tật. PNKT có thể ở vị trí yếu thế hơn so với nam giới khuyết tật, bất kể hình thức và mức độ khuyết tật. Do mặc cảm với khiếm khuyết cơ thể, việc tìm bạn tình/chồng cũng không dễ nên PNKT có lẽ dễ tha thứ cho việc bị bạo lực do chồng/bạn tình gây ra.

Trước đó, tại hội thảo "Đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho PNKT", bà Nguyễn Thu Thúy - thành viên của Mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho rằng, hiện nay các can thiệp và dịch vụ từ chính phủ còn nhiều vấn đề. Cụ thể như: Thủ tục giải quyết phức tạp, hệ thống tư pháp hình sự chưa đáp ứng, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị bạo lực giới, các đường dây nóng, dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả; cơ chế bảo vệ nạn nhân còn yếu và thiếu, quy định về chứng cứ gây khó khăn cho nạn nhân, nạn nhân thường phải cung cấp bằng chứng, trả lời câu hỏi mang tính nhạy cảm nhiều lần, chưa có quy định về việc thu thập chứng cứ một cách riêng tư, bảo vệ nhân phẩm cho nạn nhân.

Hơn nữa, chế tài xử phạt, bồi thường thiệt hại không hợp lý và đủ sức răn đe, không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi bạo lực tình dục. Riêng về PNKT bị bạo lực giới cũng chưa có các quy định mang tính đặc thù để bảo vệ họ.

Đây chính là những rào cản mà phụ nữ nói chung và PNKT nói riêng khi bị bạo lực vẫn cắn răng chịu đựng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem