Phú Thọ: Giống chuối phấn vàng-tên nghe lạ, ăn ngon cỡ nào mà nông dân chặt buồng đến đâu bán hết đến đó?

Việt Hoàng - Tuấn Trung Thứ ba, ngày 29/12/2020 07:05 AM (GMT+7)
Từ những bụi chuối mọc hoang dại ở sườn đồi, hốc đá, giờ đây giống chuối phấn vàng đã trở thành đặc sản và được coi như "cây vàng" giúp bà con xứ Mường ở xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ giảm nghèo, vươn lên khá giả.
Bình luận 0

Trước đây, nhắc đến xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - nơi bà con đa phần là người dân tộc Mường, mọi người thường nghĩ đến vùng đất nghèo khó, đường đất đá gập ghềnh, bao quanh chỉ toàn đồi núi.

Nhưng nay thì khác, dù quãng đường hơn 30km, vẫn còn uốn lượn quanh đồi nhưng việc di chuyển đã dễ dàng hơn, cùng với đó là màu xanh của chuối nhấp nhô bên sườn đồi, hốc đá, cạnh đó là những ngôi nhà khang trang.

Phú Thọ: Lạ lẫm giống chuối phấn vàng, vỏ mỏng ngọt lừ được mệnh danh là "cây vàng" - Ảnh 1.

Hiện nay chuối phấn vàng đã được quan tâm đầu tư, mở rộng diện tích và đem lại thu nhập cao cho người dân ở xã Tân Minh và Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Theo người dân nơi đây, để có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay, tất cả là nhờ cây chuối phấn vàng, loại cây đặc sản chỉ nơi này mới có, quả bé tí, mọc xen kẽ trong những sườn đồi, hốc đá.

Trước đây, loại chuối này chỉ được coi là chuối dại, thứ cây bỏ đi. Đến những năm 2010, nhận thấy cây chuối phấn vàng có sức sống mãnh liệt, tuy quả nhỏ nhưng vỏ mỏng, ngọt lừ, do đó, các cơ quan chức năng đã chọn giống chuối bản địa này là cây xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng quan tâm, tổ chức tập huấn, cho vay vốn mở rộng quy mô, quảng bá thương hiệu chuối phấn vàng.

Phú Thọ: Lạ lẫm giống chuối phấn vàng, vỏ mỏng ngọt lừ được mệnh danh là "cây vàng" - Ảnh 2.

Giống chuối phấn vàng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt ở nơi đây.

Ghé thăm cơ ngơi khang trang, nổi bật của bà Hoàng Thị Bền ở khu Dớn, xã Tân Minh, PV Dân Việt ngỡ ngàng trước sự trù phú, thay da đổi thịt ở vùng đất cằn cỗi này với bạt ngàn màu xanh của giống chuối phấn vàng.

Bà Bền cho biết, tên "chuối phấn vàng" vốn do các cụ ngày xưa đặt, do vỏ chuối khi chín có chút lấm tấm như phấn, khi ăn chuối thì môi sẽ óng ánh vàng như kim sa vậy. Chẳng ai biết nguồn gốc cây từ đâu, chỉ biết từ đời người Mường lên đây sống đã có giống chuối này mọc khắp các quả đồi, hốc đá. Điều kì lạ là các loài cây ăn quả khác khi đem về thử nghiệm ở đây đều "chết yểu", chỉ riêng giống chuối phấn vàng vẫn trường tồn cùng năm tháng.

Phú Thọ: Lạ lẫm giống chuối phấn vàng, vỏ mỏng ngọt lừ được mệnh danh là "cây vàng" - Ảnh 3.

Tuy quả nhỏ, mẫu mã không được đẹp, nhưng chất lượng của chuối phấn vàng lại rất tốt khi vỏ mỏng, ngọt lịm

"Nhà tôi nhiều năm trước cũng chỉ kiếm sống bằng chăn nuôi gia cầm, nhà có vùng đồi nhưng trồng cây gì chết cây nấy. Hoàn cảnh quá khổ nên chồng tôi với hai đứa con phải đi làm ăn xa. Năm 2015, được sự hướng dẫn, vận động của chính quyền xã nên tôi bắt đầu tập trung trồng thâm canh giống chuối phấn vàng này", bà Bền kể.

Theo bà Bền, năm đầu tiên trồng chuối phấn vàng, do bà chưa nắm bắt đầy đủ các kĩ thuật, thiếu kinh nghiệm phòng trừ bệnh cho cây nên năng suất chưa cao. Từ những năm sau đến nay, năm nào bà cũng được mùa. Nhà bà trồng 800 gốc chuối trên diện tích gần 2ha, trung bình mỗi năm thu nhập từ cây chuối cả trăm triệu đồng.

Bà Bền cho biết thêm: "Đặc điểm của giống chuối này là không cần chăm sóc quá nhiều, nhàn hơn làm nông rất nhiều nên một mình tôi vẫn đủ sức coi sóc toàn bộ vườn chuối".

Theo ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Sơn, chuối phấn vàng là loại cây đặc sản đặc trưng của xã Tân Minh và Tân Lập, huyện Thanh Sơn. Cây có sức sống mãnh liệt, chất lượng quả thơm ngon, được nhiều người ưa thích.

Đặc biệt, chăm sóc giống chuối phấn vàng này rất đơn giản, không mất nhiều công sức hay tiền chăm bón. Không những thế, với những búi chuối bình thường chỉ 3 – 5 năm là già cỗi, phải trồng mới, trong khi đó, giống chuối này hơn 15 năm mới phải trồng lại.

Phú Thọ: Lạ lẫm giống chuối phấn vàng, vỏ mỏng ngọt lừ được mệnh danh là "cây vàng" - Ảnh 4.

Chuối phấn vàng không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều gia đình có tiềm lực kinh tế vững chắc

"Để phát triển thương hiệu chuối phấn vàng, huyện Thanh Sơn ngoài việc nỗ lực mở rộng mô hình, diện tích, tập huấn kỹ thuật cho bài con còn đầu tư làm thương hiệu, tìm hướng nâng cao mẫu mã sản phẩm, có nhãn hiệu riêng, làm mã vạch truy xuất", ông Mạnh cho biết thêm.

Ông Phùng Danh Tuyên - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Minh cho biết, hiện nay trên toàn xã có đến 25ha trồng chuối phấn vàng, gần như hộ nào cũng trồng nhưng chỉ có 7 hộ có diện tích và sản lượng lớn tập trung lại thành HTX.

Trước đây chuối phấn vàng của các gia đình theo hướng "tự quản tự canh" nên tuy chất lượng tốt nhưng mẫu mã không đẹp. Ngoài ra, do không có kinh nghiệm với các bệnh lý hay gặp ở cây chuối như Panama, nên năng suất chuối rất thất thường, đời sống kinh tế người dân bấp bênh. Các hộ dân ở đây chủ yếu bán được do thương lái tự tìm đến, thấy chất lượng tốt, giá thành rẻ nên họ kháo nhau đến nhập về xuôi bán.

HTX mới thành lập gần 5 năm nay nhưng do chưa hoàn chỉnh được bộ máy, kinh phí ít nên việc quảng bá, mở rộng thị trường chuối phấn vàng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giống chuối phấn vàng Tân Minh được Viện Nông nghiệp về trực tiếp hướng dẫn người dân canh tác và đánh giá rất cao về chất lượng, có hàm lượng đường cao nhưng không ngọt khé, rất thơm.

Phú Thọ: Lạ lẫm giống chuối phấn vàng, vỏ mỏng ngọt lừ được mệnh danh là "cây vàng" - Ảnh 5.

Do chuối phấn vàng chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên thương lái từ khắp nơi đổ về, có bao nhiêu đều thu mua hết.

"Chính tôi đã mang 100kg chuối xuống Hà Nội tìm gặp các nhà phân phối nông sản cho các siêu thị lớn và họ rất ấn tượng với sản phẩm này. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc do mẫu mã còn chưa đẹp và sản lượng của HTX không đáp ứng được nhu cầu các nhà phân phối", ông Phùng Danh Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, hiện nay, chính quyền huyện Thanh Sơn đã có hướng đi để kiện toàn bộ máy HTX Tân Minh, đầu tư thêm vốn để quảng bá sản phẩm, cải thiện mẫu mã sản phẩm, có nhãn dán riêng cho thương hiệu chuối phấn vàng.

"Ước mong của chúng tôi là thương hiệu chuối phấn vàng Tân Minh càng ngày càng nhiều ngươi biết và tìm đến, sớm có chỗ đứng nhất định trên thị trường nông sản Việt Nam", ông Tuyên chia sẻ.

Ông Triệu Xuân Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Minh chia sẻ, nhiều năm về trước, Tân Minh là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, đời sống bà con khó khăn, chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng. Khi thị trường tiêu thụ chuối phát triển, người dân mới thấy hiệu quả và lợi ích từ cây chuối. Cũng nhờ chồng chuối phấn vàng đặc sản mà nhiều người dân đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem