Phú Yên họp khẩn vụ dân đốt bỏ mía vì giá còn 10 triệu đồng/ha

Hùng Phiên Thứ sáu, ngày 30/03/2018 18:51 PM (GMT+7)
Chiều 30.3, Ban điều hành Chương trình Mía đường, sắn Phú Yên tổ chức cuộc họp để giải quyết các vấn đề “nóng” xung quanh sản xuất, tiêu thụ các loại cây trồng này.
Bình luận 0

Tại cộc họp, ông Đinh Ngọc Dạn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho biết, chính quyền địa phương đã rốt ráo vào cuộc hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ mía của nông dân (ND).

Theo ông Dạn, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc hỗ trợ gia đình ông Mai Thanh Hiền (ND xã Ealy, Sông Hinh), sau khi ông này cho đốt một số mía đã chặt nhưng không bán được. Thực chất, đây là số mía trên diện tích mà ông Hiền không ký hợp đồng với Công ty Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên). Các vụ trước, ông Hiền bán số mía này cho một số nhà máy đường tỉnh khác nhưng năm nay họ không mua, mía để khô nên ông bức xúc đốt bỏ để lấy đất sản xuất cây trồng khác.

img

Cuộc họp Ban điều hành Chương trình Mía đường, sắn Phú Yên, chiều 30.3.

“Dù có ký hợp đồng tiêu thụ hay không, nhà máy đường cũng phải có trách nhiệm với ND trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch. Đề nghị Công ty Mía đường Tuy Hòa phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng, quan tâm mua hết mía cho ND trên địa bàn hoạt động. Không thể khi đường cao giá thì “o bế” ND, còn ngược lại thì… bỏ rơi” - ông Dạn nói.  

Trong khi đó, ông Đặng Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Tuy Hòa cho hay, thời gian qua, đơn vị liên tục gặp sự cố máy móc nên giảm năng suất, chậm tiêu thụ mía của ND trong vùng nguyên liệu. Hiện tại, nhà máy đã ổn định hoạt động với công suất ép 3.000 tấn mía cây/ngày.

“Công ty cam kết sẽ mua hết mía của ND trong vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mua trước cho các hộ ND đã có hợp đồng với nhà máy, tiếp đó là các diện tích còn lại. Dù đang gặp khó do đường tồn kho quá lớn nhưng công ty sẽ mua ép đến cây mía cuối cùng của ND trên địa bàn. Đề nghị Chính phủ cần có chính sách bảo vệ ngành đường trong nước trước việc lượng đường nhập khẩu quá lớn. Bên cạnh đó là vấn nạn đường nhập lậu, nhập tràn lan các loại chất tạo ngọt,… đang “giết chết” ngành mía đường trong nước” - ông Việt Anh nói.

img

Ông Mai Thanh Hiền (xã Ealy, Sông Hinh, Phú Yên) đã đốt lượng mía trồng trên 1ha vì không thể bán được 

Tương tự, ông Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cũng cam kết thu mua hết mía của ND trong vùng nguyên liệu.  

“So với nhiều nhà máy khác, chúng tôi cố gắng mua mía với giá có lợi cho ND. Tuy nhiên, rất mong bà con ND bình tĩnh chia sẻ với nhà máy đường trong lúc thị trường khó khăn. Việc hợp đồng giữa ND và nhà máy là để đảm bảo bao tiêu sản phẩm, giảm thiểu những khó khăn khi thị trường bất ổn. Một số nhà máy tỉnh khác chỉ vào Phú Yên mua mía sản xuất khi có lãi. Rất mong bà con ND đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Riêng chúng tôi cam kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm với ND trên địa bàn nhà máy đứng chân” - ông Subbaiah khẳng định.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, đây là một năm hết sức khó khăn của ngành mía đường cả nước. Vấn đề này đã cảnh báo trong lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN (ATIGA).

“Người trồng mía Phú Yên bị ảnh hưởng nặng nề do bão 12 vừa qua. Giá vật tư, công lao động, vận tải đều tăng cao. Nếu các nhà máy mua với giá 800.000 đồng/tấn mía cây như hiện nay thì ND vẫn lỗ. Các nhà máy đường phải thực hiện đúng các cam kết với ND; và cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ điều này. Không thể bỏ rơi ND khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn” - ông Tùng chia sẻ.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình Mía đường, sắn Phú Yên khẳng định, chính quyền đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường và ND trồng mía vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Với tinh thần chia sẻ trách nhiệm, yêu cầu các công ty sản xuất đường phải quan tâm mua hết mía cho ND trong vùng nguyên liệu. Hợp đồng bao tiêu sản chỉ là một vấn đề, điều quan trọng hơn là thực hiện hết trách nhiệm đã cam kết với ND. DN phải chung sống lâu dài, chia sẻ lợi ích với người ND. Không để tình trạng ND phải để mía khô do bế tắc đầu ra. Vấn đề còn lại là các cơ quan chuyên môn phải đẩy nhanh các chương trình thâm canh, cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất mía. Các nhà máy phải đầu tư tạo thêm chuỗi sản phẩm sau đường để nâng cao giá trị gia tăng của ngành mía đường” - ông Thế kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem