Ngày 29/10, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang khẩn trương triển khai công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo Đài Khí tượng thủy sản Phú Yên, dự báo đến 7h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ vĩ bắc, 112,3 độ kinh đông, cách các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 300km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3. Từ ngày 30 - 31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa từ 300-400mm/đợt; riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có thể lên đến 400 - 600mm/đợt).
Ngư dân Tuy Hòa (Phú Yên) đang neo buộc bảo vệ tàu thuyền. (ảnh: H.P)
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, đến ngày 29/10, có 1.924 lao động/345 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, trong đó1.436 lao động/232 tàu cá hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1; 1506 lao động/13 tàu cá đang hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến ATNĐ/bão trên Biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc với gia đình và bộ đội biên phòng.
Một số thuyền nhỏ được ngư dân kéo lên đường kè Bạch Đằng, Tuy Hòa. (ảnh: H.P)
Cập nhật của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên, tỉnh hiện có khoảng 675ha diện tích nuôi thủy sản ao đìa và hơn 91.000 lồng nuôi thủy sản lồng bè, chủ yếu ở các địa phương ven biển.
Đối với hồ thủy điện, lưu lượng nước về hồ trung bình từ 50-150m3/s. Mực nước ngày 29/10 ở hồ thủy điện Sông Hinh là 199,85m/209m (mực nước thiết kế); hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 101,5m/105,00m; hồ thủy điện Krông H’năng là 242,89m/255,00m. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 3 hồ thủy lợi với dung tích hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, Suối Vực và Đồng Tròn. Mực nước tính đến ngày 29/10 đối với các hồ này đang tích nước phổ biến từ 30 - 40% so với thiết kế.
Một tàu trực chiến cứu hộ của Bộ đội Biên phòng Phú Yên. (ảnh: H.P)
Ban chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, triều cường. Đồng thời, các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng chống ngập úng ở các đô thị, khu dân cư và bảo vệ sản xuất nông nghiệp (nhất là nuôi trồng thủy sản), bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.
UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục thông tin liên lạc các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng trách, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng thống kê, nắm chắc số liệu tàu thuyền/lao động/khu vực đang hoạt động trên biển. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai lực lượng, duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia PCTT-TKCN, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.