Ông Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, tại phiên tòa sơ thẩm.
Không chấp nhận ủy quyền của bà Thương
Sáng
nay (1.8), tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành xét xử phúc thẩm vụ
án hủy hoại tài sản đối với các bị cáo Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó Chủ tịch
UBND huyện Tiên Lãng, bị cáo Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện
Tiên Lãng, bị cáo Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên
Lãng, bị cáo Phặm Đăng Hoan - nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, Tiên Lãng.
Các bị cáo có đơn kháng cáo xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riêng ông Lê
Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng không có đơn kháng cáo nhưng vẫn
bị triệu tập đến tòa để làm rõ những tình tiết có liên quan đến vụ án đối với
các bị cáo khác. Tuy nhiên, theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa - ông Ngô
Hồng Phúc, tại phiên tòa, ông Lê Văn Hiền vẫn phải đứng trước vành móng ngựa
với tư cách bị cáo.
Người bị hại của vụ án này gồm ông
Đoàn Văn Vươn, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) ủy quyền toàn bộ cho
ông Vũ Văn Luân thay mặt bà Thương tham gia tố tụng với tư cách người bị hại, ông
Đoàn Văn Quý, bà Phạm Thị Báu (tức Hiền). Trong phần thủ tục, đại diện VKS tối
cao đề nghị HĐXX không chấp nhận ủy quyền của bà Thương cho ông Vũ Văn Luân. Sau
khi tạm dừng phiên tòa 10 phút để hội ý,
HĐXX đã quyết định không chấp nhận việc ủy quyền của bà Thương cho ông Vũ Văn
Luân.
Bà Phạm Thị Báu (tức Hiền), nêu ý kiến
cho rằng việc ông Chủ tọa nói ông Hiền không bị kháng cáo là không đúng, vì gia
đình bà có đơn kháng cáo đối với toàn bộ vụ án, trong vụ án này, ông Hiền là
người thiếu trách nhiệm nên đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, xâm hại tới
quyền lợi của gia đình bà. Tuy nhiên, ông Chủ tọa giải thích là ông Hiền bị kết
tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không liên quan đến
quyền lợi của gia đình bà nên không xem xét.
Luật
sư Trần Vũ Hải cho rằng bà Thương nói đúng, vì trong vụ án này hậu quả nghiêm
trọng là tài sản gia đình người bị hại bị xâm hại có trách nhiệm của ông Hiền,
nên người bị hại có quyền kháng cáo đối với bị cáo, còn việc chấp nhận hay
không là quyền của Tòa.
Người bị hại đề nghị thay đổi nội dung
kháng cáo
Sang phần xét hỏi, đại diện VKS đọc
cáo trạng nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo.
Cụ thể, UBND huyện
Tiên Lãng giao cho gia đình ông Vươn 40,3ha. Ông Vươn chia cho ông Quý 2ha nằm
trong diện tích 21 ha. Trong quá trình sử dụng đất hai gia đình có xây dựng một
số công trình nhà ở, công trình phụ...
UBND huyện Tiên Lãng có quyết định thu
hồi đối với toàn bộ diện tích, nhưng mới chỉ có cưỡng chế thi hành quyết định
461 thu hồi 19,3ha. Bị cáo Lê Văn Hiền ký quyết định giao cho ông Nguyễn Văn
Khanh - Trưởng ban chỉ đạo, Phạm Xuân Hoa - Phó trưởng ban, Lê Thanh Liêm và một
số cán bộ khác là thành viên ban chỉ đạo.
Ông Khanh đã trực tiếp ban hành kế
hoạch cưỡng chế và chỉ đạo các thành viên của đoàn cưỡng chế tại hiện trường. Tại
khu vực 19,3 ha, Khanh chỉ đạo lực lượng cưỡng chế đập phá nhà 1 tầng, chòi
trông đầm của gia đình ông Vươn. Đến 15h30 tại khu vực 21ha của nhà ông Quý, bị
cáo Khanh đã chỉ đạo phá nhà kho, nhà 2
tầng. Do căn nhà 2 tầng xây bê tông kiên cố, nên bị cáo đã giao cho các bị cáo
Hoan, Liêm gọi điện thoại thuê máy xúc đến để phá nhà 2 tầng, nhưng do máy xúc
hỏng, bị cáo Khanh tiếp tục chỉ đạo Hoan, Liêm sáng ngày hôm sau (6.1), tiếp
tục liên lạc để gọi máy máy xúc đến phá. Hậu quả toàn bộ khu nhà ở của gia đình
ông Vươn và ông Quý bị phá hủy, 01 giường gỗ lim cũng bị hủy hoại không còn sử
dụng được.
Theo kết quả giám định của Hội đồng định giá, tổng thiệt hại được
tính là 295,3 triệu đồng. Bị cáo Lê Văn Hiền, đã ra quyết định cưỡng chế, ký
quyết định trưng cầu lực lượng cưỡng chế nhưng không phát hiện Khanh và các
đồng phạm khác ra thông báo và chỉ đạo đồng phạm khác phá hủy tài sản của gia
đình ông Vươn và ông Quý nên không phát hiện để ngăn chặn.
Tòa sơ thẩm đã xử
phạt Nguyễn Văn Khanh 30 tháng tù, Phạm Xuân Hoa 24 tháng tù cho hưởng án treo,
Lê Thanh Liêm 24 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Đăng Hoan 15 tháng tù cho hưởng
án treo đều về tội hủy hoại tài sản. Bị cáo Lê Văn Hiền bị xử phạt 15 tháng tù cho
hưởng án treo về tội Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tất
cả các bị cáo đều bị xử hình phạt bổ sung khắc phục hậu quả dân sự và bị cấm
đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội 1 năm
sau khi thi hành xong bản án. Bà Nguyễn
Thị Thương và Phạm Thị Báu có đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm điều tra lại, truy
tố thêm về tội xâm phạm chỗ ở. Riêng tội hủy hoại tài sản đề nghị xét xử tình
tiết tăng nặng: tộ phạm có tổ chức. Tất cả người bị hại đề có đề nghị tăng mức
bồi thường.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh có đơn kháng
cáo tòa sơ thẩm xử tội hủy hoại tài sản là không đúng, có nhiều tình tiết giảm
nhẹ đề nghị giảm hình phạt vì sơ thẩm quá nặng, quá nghiêm khắc, xin được giảm
án và được hưởng án treo. Tuy nhiên, ngay tại Tòa, bị cáo lại thừa nhận hành vi
sai phạm và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo
trình bày đã tự giác chấp hành phần dân sự, trong thời gian bị giam có bệnh
(tim, tiền đình) xin ra chữa bệnh nhưng cũng vẫn chưa khỏi hẳn.
Các bị cáo khác cũng đề nghị xin giảm nhẹ hình
phạt. Riêng bị cáo Lê Thanh Liêm đề nghị xem xét lại trách nhiệm bồi thường.
Người bị hại Nguyễn Thị Thương và Phạm
Thị Hiền đã xác nhận gia đình ông Khanh đã khắc phục hậu quả và đề nghị quan
tâm xem xét để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với ông Khanh. Theo lời khai
trước tòa của người bị hại, ông Nguyễn Văn Khanh được phân công chỉ đạo cưỡng
chế theo nghị quyết của huyện ủy và UBND huyện, ông Khanh không có thù oán gì
với gia đình, không cố ý hủy hoại tài sản của gia đình. Do diện tích đầm rộng,
ông Khanh không bao quát được hết nên không phát hiện được cấp dưới có hành vi
hủy hoại tài sản.
Người bị hại Đoàn Văn Vươn có đơn
kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo Hoa, Liêm, Hoan, xin giảm nhẹ
hình phạt cho ông Khanh và tăng mức bồi thường. Tại tòa đề nghị thay đổi nội
dung kháng cáo: hủy bản án, cho điều tra bổ sung, làm rõ thêm phần thiệt hại.
Ông
Vươn trình bày, ông Lê Văn Hiền ban hành quyết định thu hồi đất trái pháp luật,
đề nghị xử tăng nặng hình phạt đối với ông Hiền đối với 2 tội hủy hoại tài sản
và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không
được Tòa chấp nhận hủy án sơ thẩm, thì ông giữ nguyên kháng cáo trong đơn.
Bị
cáo Lê Văn Hiền nhận trách nhiệm trước pháp luật nên không kháng cáo.
Bị
cáo Lê Thanh Liêm xin giảm nhẹ hình phạt, xin giảm nhẹ phần bồi thường trách
nhiệm dân sự với lý do được bị cáo trình bày là tất cả sự việc bị cáo thực hiện
ngày 5-6.1 do bị cáo là thành viên ban chỉ đạo nên việc chuẩn bị dụng cụ,
phương tiện, con người để phục vụ việc cưỡng chế, chứ không với mục đích hủy
hoại tài sản. Bị cáo nhận thức với hành vi như vậy bị cáo chỉ bị cảnh cáo trước
tòa. Về bồi thường vật chất bị cáo cho rằng mình không phải chịu đối với phần
tài sản bị phá ngày 5.1
Bị cáo Phạm Đăng Hoan trình bày đề nghị giảm
hình phạt vì bị xử quá nặng. Với trách nhiệm, cán bộ đảng viên, công chức bị
cáo không thể không đến hiện trường cưỡng chế tại địa phương, không phải thành
viên ban chỉ đạo mà chỉ có mặt với tư cách là lãnh đạo địa phương nên không có
vai trò gì, bị cáo không có động cơ vụ lợi cá nhân, cũng đã chủ động khắc phục
hậu quả. Nhận thức hành vi chỉ bị cảnh cáo trước tòa. Ông Vươn cho biết, gia đình ông đang có đơn
khởi kiện ra Tòa án huyện Tiên Lãng về việc UBND huyện ra quyết định hành chính
trái pháp luật gây thiệt hại cho gia đình ông và đòi bồi thường trên 60 tỷ
đồng.
Trong
khi luật sư Trần Vũ Hải đang tiến hành xét hỏi các bị cáo thì bị Chủ tọa yêu cầu dừng lại và tuyên bố kết thúc
phần xét hỏi. Luật sư Trần Vũ Hải phản đối vì các luật sư chưa xét hỏi đối với
người bị hại. Tuy nhiên, phản đối của luật sư Trần Vũ Hải không được tòa chấp
nhận và tuyên bố kết thúc làm việc buổi sáng.
Buổi
chiều Tòa chuyển sang phần tranh tụng.
Vũ Thị Hải (Vũ Thị Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.