Phương án thi năm 2017, liệu có sửa sai những kì thi trước?

Diệu Thu Thứ ba, ngày 13/09/2016 20:37 PM (GMT+7)
Một số chuyên gia cho rằng, với phương án kỳ thi mới năm 2017, Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của dư luận, nghiên cứu kĩ, thấy sai thì phải sửa.
Bình luận 0

img

Chuyên gia giáo dục mong muốn Bộ GD-ĐT sửa sai từ những kỳ thi trước. 

Những dự kiến thay đổi trong kì thi THPT quốc gia 2017 khiến học sinh đang học lớp 12 phải lo lắng vì thời gian diễn ra kì thi chỉ còn khoảng 9 tháng nữa. Những đổi mới này cũng đang vấp phải nhiều dư luận trái chiều.

Học sinh hoang mang

Theo Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, có tất cả 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.

Trước những sự thay đổi lớn trong kì thi năm 2017, nhiều học sinh đang học lớp 12 cảm thấy bất an, sợ trở tay không kịp.

Em Dương Văn Đạt, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Ngay khi nghe về sự thay đổi, em thấy lo lắng không biết cơ cấu đề thi như thế nào? Toán thi trắc nghiệm thì như thế. Ngay từ đầu năm lớp 10, em đã chọn khối rồi và bây giờ thay đổi của Bộ Giáo dục em cảm thấy không thể theo được và cảm giác rất lo lắng”.

Em Nguyễn Thùy Dương học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức Hà Nội cho biết: “Đổi mới thi làm cho em khó khăn hơn trong học tập, phải chú trọng vào tất cả các môn để thi. Ngay từ đầu em chọn ban D Toán, Văn, Anh xong rồi bây giờ đổi mới gây khó khăn cho bọn em hơn”.

Nhiều em học sinh cho rằng, để thi THPT quốc gia, các em đã chọn khối từ cuối năm lớp 10, chuẩn bị tâm lí từ năm lớp 11 và năm lớp 12 chỉ việc miệt mài ôn theo những gì đã chọn. Sự thay đổi này khiến cả thầy cô giáo và học sinh đều không chuẩn bị kịp.

Cũng có học sinh lại cho rằng, cách thi đổi mới này khiến cho học sinh phải học một cách nhồi nhét, nhồi nhét cả với những môn học không liên quan gì đến ngành nghề. Có học sinh thì tỏ ra lo lắng, bởi trong cả 12 năm học, các em được dạy làm Toán theo phương pháp tự luận, việc trình bài toán theo cách thức này khác. Khi thay đổi cách thức thi theo phương thức trắc nghiệm khách quan thì cách thức giải sẽ nhanh hơn, sẽ gây khó khăn cho học sinh.

Với phương án thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm, nhiều chuyên gia đã tỏ ra không đồng tình. Có ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm làm thui chột khả năng viết và làm tăng tính lười học của học sinh. Cũng có thể có chuyện học sinh yếu bấm tích bừa cũng đúng.

Đại diện Hội Toán học cho biết, quyết định chuyển đổi hình thức thi môn Toán sang hình thức trắc nghiệm được đưa ra một cách bất ngờ, không có lộ trình, chưa có sự chuẩn bị đối với giáo viên và học sinh.

Sai phải sửa ngay

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trên thế giới, các đề thi có hai phương thức khác nhau: Thi tự luận và thi trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp cả tự luận với trắc nghiệm khách quan.

Muốn đánh giá về thế mạnh từng con người đến năng lực, tư duy đến mọi thứ khác thì thi tự luận tốt hơn, thi trắc nghiệm thì đánh giá đại trà hơn. Nếu thi nhằm mục đích đánh giá cơ bản, tổng hợp trong khi quy mô thi lại rất đông thì sẽ có những chuyện nhầm lẫn trong chấm bài hoặc tiêu cực trong chấm bài. Trong những trường hợp đó người ta hay dùng thi trắc nghiệm khách quan.

Còn thi trắc nghiệm khách quan trong kì thi của ta là thi tốt nghiệp quốc gia chứ không phải thi đại học, cho nên có thể áp dụng ngay cả với môn Toán, nhiều nước ngay cả môn Văn cũng thi trắc nghiệm, chỉ có một đoạn viết theo quy định số chữ.

Cũng theo ông Lê Viết Khuyến, trong 2 năm trở lại đây nhiều phụ huynh băn khoăn vì mỗi năm đổi mới cách thi một lần khiến học sinh và nhà trường hoang mang.

“Cái này tôi cho rằng lỗi ở đây là của Bộ GD-ĐT, chưa nghiên cứu kĩ, không nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục đã tung ra thi 2 năm vừa rồi (2015 – 2016)”, ông Khuyến nói.

Ông Khuyến nhắc lại, kì thi năm 2015, 2016 đặt ra là chỉ có bốn môn bắt buộc, còn một môn tự chọn trong năm môn còn lại. Như thế nghĩa là bật đèn xanh cho học sinh học lệch từ năm lớp 10.

“Đó là một cái xấu và khi phát hiện thấy sai lầm thì Bộ GD-ĐT phải sửa ngay, không thể để ba năm nữa mới sửa”, ông Khuyến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem