Phượt Mông Cổ

Thứ hai, ngày 30/01/2012 19:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thảo nguyên hoang dã đẹp tới mức làm choáng ngợp bất cứ ai đặt chân đến, nhưng thiên nhiên cũng hoang dại tới mức thử thách tất cả lòng can đảm của con người. Và tất nhiên, là cả những câu chuyện về con người ở xứ sở của Thành Cát Tư Hãn - Mông Cổ!
Bình luận 0

Đã có khá nhiều người Việt viễn du tới Mông Cổ, đi một mình hoặc đi với nhóm bạn. Về Việt Nam, thông tin hướng dẫn nhau đi Mông Cổ tràn ngập các trang mạng về du lịch. Những câu chuyện, những trải nghiệm và những bức ảnh của họ đã làm sôi sục bất cứ ai có trong mình chút máu phiêu lưu.

img
Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.

Tết và chùa chiền

Có nhiều cách đi từ Việt Nam sang Mông Cổ. Ít tiền, nhiều thời gian thì đi tàu, ô tô qua Trung Quốc, Trung Á… Nhiều tiền thì đi máy bay (tất cả đều là bay quá cảnh qua Bắc Kinh, Hongkong hay Seoul, tuỳ hãng máy bay).

Nếu đi đường bộ, du khách có thể mất cả chục ngày chen chúc trên các toa tàu chạy xuyên Trung Quốc. Và cuối cùng, chạm ngõ Mông Cổ là dòng chữ “Welcome to Mongolian”- chào đón tới Mông Cổ. Còn nếu đi máy bay, sân bay của thủ đô Ulanbataar sẽ đón du khách trong nắng vàng với cái lạnh 5-6 độ (và về đêm là 3-4 độ âm).

Ngày Tết cổ truyền âm lịch ở Mông Cổ được gọi là Tết Tsagaan Sar, hoặc Tết Tháng Trắng. Ngày tết này được tính theo lịch Tây Tạng và cũng gần ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới và tụ họp sum vầy với nhau (ý nghĩa giống hệt Tết Nguyên đán cổ truyền ở Việt Nam). Bữa cơm ngày Tết của họ cũng đầy các món ăn truyền thống, ví dụ như món cơm và sữa đông, cơm với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

img
Chợ ở Mông Cổ bán món đồ đặc trưng là ống khói bếp lò.

Nhưng ít người Việt Nam “dám” đi Mông Cổ vào thời điểm này bởi cái lạnh lẽo tới âm 10, âm 20 độ không dễ gì chịu được mà chủ yếu đi vào tháng 3, 5, khi thời tiết ấm hơn.

Điểm đến hút khách du lịch nhất khi tới nơi đây là chùa chiền, thiền viện. Chùa Wuta Pagoda, ngôi chùa từ thời Càn Long, lại xây dựng theo kiến trúc Ấn Độ, nhưng lại có nhiều ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng vươn lên uy nghi trong nắng chiều. Ngôi chùa đầy những phù điêu chạm trổ tinh xảo của chùa, những phiến đá thiên văn tinh xảo của người Mông Cổ xưa...

Rồi Thiền viện Gandan Khiid - một trong những thiền viện lớn nhất Mông Cổ - nằm ở tỉnh Bayankhongor. Người Mông Cổ tôn sùng Phật giáo, nhưng vì đây là đất nước của "độc lập và tự do" - theo tôn chỉ đã được đề cao trong quốc huy mới và trên quốc kỳ, nên thiền viện này là nơi tu luyện của cả sư thầy và Lạt ma, với trên 10.000 người.

Cưỡi ngựa trên thảo nguyên

Sau chùa chiền, thảo nguyên là điểm đến được yêu thích nhất. Trong đó có thảo nguyên Xilamuren. Đây là một thảo nguyên rộng lớn, các ger camp (những khu lều Mông Cổ) trong các trang trại lọt thỏm giữa mênh mông gió. Ngoài khu trung tâm giống như một thị trấn nhỏ, thì các trang trại nằm rải rác, nhìn có vẻ gần nhưng đi thì khá xa.

img
 

Ở đây cũng nhiều “cò”. Khi thấy có khách từ xa tới khu trung tâm là “cò” cũng nhộn nhịp lao đến mời khách về các trang trại và nhiệt tình dẫn khách vào thảo nguyên. Đường đi ở đây, từ lều nọ sang lều kia, từ trang trại nọ sang trang trại kia mất cả chục km. Đồng cỏ khô và ngựa và hoa dại trong nắng chiều hoàng hôn khiến cho Xilamuren có vẻ đẹp không cưỡng lại được. Nhưng chỉ tới tối là nhiều khi có dông, mưa đá, gió quất ràn rạt và gào thét thê lương.

Nơi được khách Việt Nam chọn ở nhiều nhất (chỉ vì một lý do đơn giản: có nhà vệ sinh) là Xilamuren Resort. Lều ở đây có nhà vệ sinh, nhưng không có lò sưởi, giá 130 tougul/lều/6 người. Dịch vụ đặt ăn ở đây cũng khá… oái oăm khi mà thịt cừu phải… đặt nguyên con. Nhưng giá cả so với Việt Nam cũng dễ chịu: Khoảng 6 triệu đồng một bữa thịt cừu quay nguyên con tưng bừng.

Du lịch Mông Cổ thường đồng nghĩa với những chuyến đi các miền. Du khách thuê ô tô có tài xế lái rồi du hí các hành trình chính gồm: Miền Bắc và Ulaanbataar 14 ngày; miền Đông (3-5 ngày); miền Tây 25 ngày; sa mạc Gobi 9 ngày. Đã từng có nhiều du khách Việt Nam sang Mông Cổ đi các điểm trên bằng... xe máy.

Hầu hết du khách Việt đã tới Mông Cổ thường thuê hẳn một chiếc Jeep Nhật để vi vu sang miền Đông (khu vực Khatgal) cắm trại và đi horse-riding tour (tour cưỡi ngựa) quanh khu hồ Khovgol và Terkhii.

Chuyến cưỡi ngựa từ Khatgal đến hồ Khovgol, khoảng hơn 20km có lẽ là chuyến đi ấn tượng với bất cứ du khách nào bởi được cưỡi ngựa thong dong trên đồng cỏ đầy hoa dại, xuyên qua khu rừng thông rậm rạp có những bụi hoa lấp ló đủ sắc màu, nghỉ chân ở một trảng cỏ nở rợp hoa trắng, hoa dại nhìn không chán mắt. Ở chốn này, mùi hoa dại và cỏ rừng thơm mát và say lòng người.

Thảo nguyên mênh mông nên đâu đâu cũng là đường. Cảnh vật trải dài như vô tận, du khách chỉ nhận biết được đường đi nhờ vệt bánh xe để lại trên cỏ, tạo thành những đường uốn lượn đầy ngẫu hứng. Và khi đã đi Mông Cổ, đã phóng tầm mắt trên thảo nguyên, được trải nghiệm hết cuộc sống của dân du mục trong cái lạnh lẽo khắc nghiệt, hầu như ai cũng cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa, vơi bớt tham, sân, si trong cõi đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem