PTT Vương Đình Huệ: “Tái cơ cấu NH khó hay dễ, các đồng chí cứ điều hành thì biết”

Huyền Anh Thứ ba, ngày 15/10/2019 14:56 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện tại phương án tái cơ cấu đối với mỗi ngân hàng đã “có sẵn trên bàn”. Phương án xử lý từng ngân hàng là việc đại sự, một mình Thống đốc hay một mình Thủ tướng không thể quyết định được. Chúng ta đang tiến hành rất chặt chẽ và kỳ vọng có kết quả.
Bình luận 0

Sáng nay 15/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Xử lý nợ xấu hiệu quả gấp đôi

Tính từ năm 2012 đến tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 869,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng việc duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD dưới 2%.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo NQ42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

img

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Theo đại diện NHNN, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Về kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC. Lũy kế từ năm 2013 đến hết tháng 8/2019, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 348.500 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỷ đồng.

VAMC cũng đã mua được 55 khoản nợ, với dư nợ gốc 6.724 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 6.821 tỷ đồng theo hình thức giá thị trường:

Lũy kế từ 2013 tới cuối tháng 8/2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ đạt 138.347 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi có NQ42, 2 năm qua VAMC thu hồi được 77.034 tỷ đồng, gần bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 cho tới nay.

Đối với hoạt động đấu giá, định giá khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ, VAMC tổ chức đấu gia thành công 7 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt gần 499 tỷ đồng.

img

Toàn cảnh Hội nghị

Đánh giá về kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành ngân hàng. Để xử lý nợ xấu triệt để hơn, theo NHNN, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng...

Đặc biệt, ngành ngân hàng tập trung xử lý phương án tái cơ cấu một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm; tuân thủ đúng quy định và tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, cũng như phối hợp với các bộ, ngành chủ quản xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty con của tập đoàn trực huộc...

Tái cơ cấu ngân hàng khó hay dễ?

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã làm được trong thời gian qua, đặc biệt là xử lý nợ xấu theo NQ42.

Theo Phó thủ tướng, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 của Chính phủ là những giải pháp đồng bộ, tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD và phát triển ngành ngân hàng. Kết quả này cũng là tiền đề để hiện thực hóa những mục tiêu đã đưa ra trong Nghị quyết 42 của Quốc Hội.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ 3 từ trái qua) dự và chỉ đạo Hội nghị

Nói về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục bám sát NQ42 và QĐ 1058, Nghị quyết 01 hàng năm của Chính phủ. Riêng với xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng cần đặt NQ42 trong tổng thể ngành đến năm 2025 – 2030. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tự chịu trách nhiệm của các TCTD. Trường hợp nào đặc biệt phát sinh, cần phải báo cáo để có chính sách đặc thù để xử lý.

Cũng phải nói thêm rằng, việc xử lý nợ xấu không phải là việc của riêng ngành ngân hàng. Nếu như Quốc hội, Chính phủ không vào cuộc, không có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì ngành ngân hàng dù có “ba đầu 6 tay” cũng không thể làm được.

Ngoài việc quyết liệt xử lý nợ xấu, theo Phó Thủ thướng, “nợ xấu mới phát sinh cũng là vấn đề đáng lưu tâm của ngành ngân hàng, để làm sao không xảy ra tình trạng xử lý 1 thì lại phát sinh 2. Như thế không bao giờ chúng ta xử lý được.

“Muốn xử lý nợ xấu phải có ngân hàng “đẹp”. Đẹp ở đây là cách ứng xử đẹp, chơi đẹp, thượng tôn pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Nâng cao hơn nữa đạo đức, văn hóa nghề nghiệp”, Phó Thủ tướng cho hay.

Về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện tại phương án tái cơ cấu đối với mỗi ngân hàng đã “có sẵn trên bàn”. Phương án xử lý từng ngân hàng là việc đại sự, một mình Thống đốc hay một mình Thủ tướng không thể quyết định được. Chúng ta đang tiến hành rất chặt chẽ và kỳ vọng có kết quả. “Nếu đó là của tư nhân thì người ta muốn bán giá nào thì bán, cho ai thì cho nhưng của Nhà nước phải khác, phải tuân thủ pháp luật, công khai minh bạch và tối đa hóa lợi ích vừa đảm bảo an toàn hệ thống. Khó lắm chứ. Khó hay không, các đồng chí cứ nhảy vào điều hành thì biết”, Phó Thủ tướng nói.

Nhiều lần nhà báo hỏi chúng tôi là đứng trên bục trả lời Quốc hội tâm trạng của đồng chí thế nào, nhất là lần đầu tiên. Bây giờ, muốn biết thế nào thì nhà báo thử lên đó mà đứng. Nghe được câu hỏi tối tăm mặt mũi. Đại biểu thì nhiều địa phương khác nhau, tiếng thì có phải nghe nhanh được đâu. Có người đặt câu hỏi mở, có người đặt câu hỏi Yes or No… dẫn giải dài rồi mới hỏi. Nhớ được nội dung hỏi, ai hỏi mà phải nhớ cả họ và tên chứ nói tên không là người ta không hài lòng. Mang máng như nghe hiểu tiếng Anh. Hỏi 1 phút trả lời 3 phút, trả lời ngay. Đến máy tính còn trục trặc nữa là con người. Không có trong đầu, nắm không vững vấn đề thì làm sao có thể trả lời được. Tôi tả không hết được đâu”.

Sau khi nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nghiêm túc hơn trong công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xẩu để củng cố chất lượng hoạt động hệ cả hệ thống. “Chúng tôi cam kết với Chính phủ, hệ thống Ngân hàng tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công trong NQ42 và QĐ1058. Chúng tôi tin tưởng với quyết tâm chỉ đạo của NHNN và nỗ lực của các NHTM, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem