Trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang dai dẳng, Mỹ mới đây đã có thêm một động thái có thể đẩy quan hệ Nga-Mỹ xuống một hố sâu mới khi điều 290 lính dù từ Lữ đoàn Dù 173 ở Ý tới Ukraine để huấn luyện lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine.
Với động thái này, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn làm giảm bớt sức ép chính trị “phải làm gì đó” của Mỹ và chọn một giải pháp được coi là nhẹ nhàng hơn việc gửi hàng tỉ USD vũ khí sát thương tới Ukraine.
Tuy nhiên, hành động triển khai lính dù tới Ukraine trên của Washington cũng khiến Nga vô cùng bất an, và theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều cách trả đũa gây thiệt hại không hề nhỏ cho Mỹ.
Lính dù Mỹ đặt chân đến Ukraine để huấn luyện cho lực lượng Vệ binh Quốc gia
Theo nhà phân tích Josh Cohen của hãng tin Reuters, từ lâu Nga đã luôn quan niệm rằng NATO đang tìm cách mở rộng tới Đông Âu và áp sát biên giới nước Nga, đặc biệt là từ khi cuộc “cách mạng Maidan” ở Ukraine nổ ra lật đổ vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
Đối với ông Putin và các quan chức cấp cao Nga, việc ngăn không cho Ukraine rơi vào vòng tay của phương Tây là một vấn đề mang tính sống còn. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock từng nói rằng việc để Ukraine gia nhập NATO đối với ông Putin chẳng khác gì việc để tên lửa Liên Xô ở Cuba đối với Tổng thống Mỹ Kennedy.
Bởi vậy, động thái điều lực lượng lính dù của Mỹ tới Ukraine, dù với số lượng nhỏ, cũng có thể khiến Moscow rất tức giận, và có những biện pháp trả đũa quyết liệt đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Theo ông Cohen, biện pháp đầu tiên của Nga có thể là ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với phong trào ly khai ở miền đông Ukraine, chẳng hạn như đưa thêm quân và vũ khí vào khu vực này, thậm chí là phát động một chiến dịch tấn công Mariupol, thành phố đóng vai trò như cầu nối giữa Nga với bán đảo Crimea, hiện đang do quân chính phủ Ukraine kiểm soát.
Vệ binh Quốc gia Ukraine sẽ được lính Mỹ huấn luyện quân sự trong 6 tháng
Chiến dịch tấn công này sẽ “kết liễu” thỏa thuận hòa bình Minsk vốn rất khó khăn mới đạt được. Nói một cách đơn giản, ông Cohen cho rằng Tổng thống Putin thừa sức “chơi nước cờ tay trên” đối với ông Obama trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Thứ hai, Nga có thể tăng cường các hoạt động đe dọa hạt nhân của mình trong vài tuần tới đây. Nga không thể chiếm thế thượng phong với Mỹ nếu so sánh về các loại vũ khí thông thường, nên gần đây Moscow đã thay đổi học thuyết hạt nhân của mình, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một cách để “giảm căng thẳng” xung đột.
Điều này đã được ông Putin thể hiện trong bài phát biểu kỷ niệm 1 năm ngày sáp nhập Crimea, khi ông tiết lộ rằng đã đặt toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu khi bắt đầu quy trình sáp nhập Crimea.
Trong thời gian gần đây, các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga cũng liên tục xuất hiện các loại vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như máy bay ném bom hạt nhân chiến lược TU-95 xuất hiện gần đảo Guam, bờ biển Alaska, vùng Baltic và thậm chí là áp sát không phận nước Anh.
Mới đây, Nga cũng đã di chuyển 10 hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander có tầm bắn 400 km tới Kaliningrad, một khu vực giáp biên giới với Ba Lan và Litva. Moscow cũng hủy bỏ một thỏa thuận với Litva về việc cung cấp thông tin về các loại vũ khí của Nga ở Kaliningrad. Tất cả những động thái này đều không hề có lợi cho Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ngoài ra, Moscow cũng sẽ có thể thực hiện những hành động bất lợi cho các thành viên NATO, đặc biệt là 3 quốc gia vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Litva. Trong thực tế, Nga vừa mới truy tố hình sự một sĩ quan tình báo của Estonia bị Nga bắt giữ. Việc quyết định truy tố được công bố vào ngày 20/4, ngày quân Mỹ bắt đầu huấn luyện Vệ binh Quốc gia Ukraine, không hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Cuối cùng, ông Cohen cho rằng Nga cũng có thể có một loạt hành động khiến Mỹ càng bị “lún” sâu hơn vào cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, đặc biệt là qua đồng minh Iran. Moscow vừa tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa phòng không S-300 cho Iran, một động thái được cho là sẽ “thay đổi thế cân bằng sức mạnh ở Trung Đông”.
Tuyên bố này của ông Putin đã khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Israel và Saudi Arabia không khỏi lo lắng, và thậm chí Israel còn đe dọa rằng sẽ thực hiện các cuộc không kích phủ đầu nếu tên lửa S-300 được đưa tới Iran.
Ông Cohen kết luận rằng mặc dù Mỹ coi việc điều 290 lính dù tới Ukraine là một hành động “không có gì to tát”, song Moscow lại không nghĩ vậy, và một khi tình hình nóng lên, Washington sẽ nhận thấy những lợi ích của mình bị ảnh hưởng trước những hành động trả đũa của Nga.
Trí Dũng (Theo Reuters)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.