PVGAS & 20 năm đón dòng khí đầu tiên vào bờ

Hiền Vy Thứ hai, ngày 20/04/2015 16:00 PM (GMT+7)
Nền công nghiệp Khí Việt Nam sẽ đón mừng một sự kiện quan trọng vào đúng ngày 1/5/2015: Kỷ niệm tròn 20 năm ngày đón dòng khí đầu tiên vào bờ, ghi dấu ấn không thể phai mờ của những năm tháng đầu tiên tạo dựng nên cả một diện mạo đáng tự hào của ngành công nghiệp trẻ trung và phát triển.
Bình luận 0

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc PV GAS Đỗ Khang Ninh, người đã gắn bó với sự nghiệp khí từ những ngày đầu, đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc…

img

Chủ tịch HĐQT Lê Như Linh và Tổng Giám đốc Đỗ Khang Ninh (thứ 2 từ phải sang) đón nhận quà của Thủ tướng Chính phủ gửi tặng người lao động PV GAS

*Kính thưa ông Đỗ Khang Ninh, là một trong những thành viên chỉ đạo thực hiện quá trình đưa dòng khí đầu tiên vào bờ, xin ông nhắc lại một số nét về sự kiện Đón dòng khí đầu tiên vào bờ.

*Ông Đỗ Khang Ninh: Dầu mỏ và khí thiên nhiên là nguồn năng lượng, nguyên liệu quan trọng của tất cả các nước công nghiệp. Việt Nam có nguồn tài nguyên khí đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 7 trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Theo các nhà nghiên cứu, tổng tiềm năng khí thiên nhiên có thể thu hồi vào khoảng 2.938 tỷ m3, tập trung chủ yếu ở các bể: Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Cửu Long và Sông Hồng. Ngay sau ngày thống nhất đất nước, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết về việc triển khai thăm dò khai thác dầu khí trên cả nước. Ngày 26/5/1984 tại mỏ Bạch Hổ do Liên Xô và Việt Nam thăm dò, đã phát hiện dòng dầu đầu tiên. Ngày 26/6/1986 tấn dầu đầu tiên được khai thác, mở ra cả một chương trình khai thác dầu khí năm 1986-200, tạo giai đoạn phát triển mới của ngành dầu khí Việt Nam.

Ngày 20/9/1990, Công ty Khí đốt (tiền thân của Tổng Công ty Khí Việt Nam ngày nay) được thành lập, thực hiện nhiệm vụ được giao là thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, kinh doanh khí và các sản phẩm khí . Ngày 6/12/1990, Công ty Khí đốt trình Đề án “Phát triển và sử dụng khí thiên nhiên”, bước đầu cụ thể hóa quá trình thu gom và sử dụng khí thiên nhiên phục vụ đất nước. Mục tiêu đầu tiên là tận dụng khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ. Mỏ này được khai thác dầu mỏ từ 26/6/1986, nhưng toàn bộ khí đồng hành vẫn phải đốt bỏ.

Đề án sử dụng khí bao gồm giàn nén khí ngoài biển, hệ thống đường ống với tổng chiều dài 195 km, nhà máy xử lý khí tại Dinh Cố và hệ thống kho cảng xuất nhập sản phẩm lỏng tại Thị Vải. Đề án được thực hiện theo nhiều giai đoạn, bắt đầu là công trình “Đưa khí sớm vào bờ - FAST TRACK”, mục tiêu là gấp rút đảm bảo nhu cầu khí cho Nhà máy điện Bà Rịa được khánh thành vào tháng 4/1995. Đến ngày 17/4/1995, khí đã được đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức vào ngày 1/5/1995 với sự hiện diện của Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt cùng các vị lãnh đạo nhà nước, các bộ ngành trung ương và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

img

Trên công trình đón dòng khí đầu tiên về bờ hơn 20 năm trước
 

Là một trong những người tham gia chỉ đạo hoàn thành đề án, tôi thật sự không thể nào quên phút chứng kiến dòng khí đầu tiên tiếp bờ. Đó là cảm xúc choáng ngợp khi giấc mơ của nhiều thế hệ dầu khí Việt Nam đã trở thành hiện thực, chuyển toàn bộ nguồn năng lượng đang bị đốt bỏ lãng phí về bờ, phục vụ Tổ quốc. Để có được phút giây hạnh phúc nhìn thấy ngọn đuốc khí bừng sáng tại Dinh Cố, đã có biết bao cán bộ chiến sĩ âm thầm phục vụ, cống hiến; đã có rất nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, sáng kiến phù hợp với thực tế được triển khai trong điều kiện công trỉnh hoàn toàn mới, lần đầu tiên tại Việt Nam, trình độ kỹ thuật máy móc còn nhiều hạn chế. Đó là mồ hôi nước mắt trên những công trình kéo dài từ biển về bờ, đó còn là tình hữu nghị dành cho Việt Nam của các bạn bè, đối tác trong những ngày khó khăn nhất. Chính vì những cảm xúc của thời kỳ gian khó ấy mà chúng tôi, những người đồng đội luôn tâm niệm cống hiến hết mình vì sự nghiệp công nghiệp khí, tạo nên những thành quả vượt bậc của ngày hôm nay.

*Trong 20 năm qua kể từ khi dòng khí đầu tiên vào bờ, diện mạo của ngành công nghiệp Khí đã thay đổi không ngừng, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Xin ông cho biết những mốc son, những con số thuyết phục nhất tạo dựng nên sức mạnh công nghiệp khí.

-Diện mạo của một ngành công nghiệp, biến chuyển nhanh chóng từ những bước đầu tiên, phát triển mạnh, vững vàng và thuyết phục chỉ trong 20 năm, quả là một thắng lợi to lớn nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình và kịp thời của Nhà nước, các bộ ngành, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu vượt qua thử thách, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch Tập đoàn giao, đưa ngành công nghiệp Khí không ngừng phát triển, cụ thể là:

¬ - Tất cả các công trình khí do PV GAS quản lý đã và đang được hoàn thiện, phát triển đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, tạo tiền đề xây dựng PV GAS theo mô hình sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh ở các khâu thu gom, tiếp nhận, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, kinh doanh khí và các sản phẩm khí. Tổng Công ty Khí Việt Nam khẳng định vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp Khí, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

¬   -  Tổng Công ty  Khí Việt Nam bảo đảm an toàn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tính mạng người dân, tài sản và môi trường của đất nước. Nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các bên trong dây chuyền khí và trách nhiệm với cộng đồng xã hội, PV GAS đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý tích hợp về an toàn – chất lượng - sức khỏe – môi trường trong tất cả các khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh và là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước được các tổ chức quốc tế TUV, BSI đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý tích hợp an toàn – chất lượng - sức khỏe – môi trường theo tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, ISO 9001:2008, ISO 14001:2004. Tất cả các đơn vị thành viên, trực thuộc của PV GAS đang duy trì hệ thống quản lý AT-CL-MT và đã được các tổ chức chứng nhận quốc tế như BSI, DNV, TUV thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ; đạt yêu cầu về vận hành an toàn, hợp lý, với hiệu suất thu hồi cao, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ.

    PV GAS đã chuyển đổi thành công từ mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành Công ty cổ phần, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Tổng công ty. Đây được đánh giá là một hướng đột phá, nhằm tiếp tục triển khai chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Đảng, Chính phủ đã đề ra; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong và ngoài nước của PV GAS; nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng mức độ quốc tế hóa, xã hội hóa các hoạt động của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Kết quả thành công hơn mong đợi của quá trình cổ phần hóa đã làm tăng giá trị doanh nghiệp của PV GAS và làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. PV GAS được tạp chí Nikkei Asian Review công bố thuộc danh sách 50 công ty giá trị nhất Đông Nam Á (Xếp thứ 48/50 công ty) và lọt vào top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới do Forbes bình chọn (Xếp thứ 1.651/2.000), top 50 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. PV GAS tiếp tục là một trong số các đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như trên sàn giao dịch chứng khoán về lợi nhuận, đóng góp đáng kể vào ngân sách Quốc gia (thuộc top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam).

- PV GAS liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận. Kể từ năm 1995 đến hết tháng 4/2015, PV GAS đã cung cấp cho thị trường trên 95 tỷ m3 khí khô, gần 8,6 triệu tấn LPG và trên 1,5 triệu tấn Condensate. Với việc quản lý và vận hành an toàn, liên tục các hệ thống thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến và phân phối khí từ các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn (ở khu vực Đông Nam bộ) và Malay – Thổ Chu (khu vực Tây Nam bộ), hiện nay, mỗi năm PV Gas cung cấp khí để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện, 70% nhu cầu phân đạm và duy trì khoảng 70% thị phần LPG trong nước phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước. Trong 25 năm qua kể từ khi thành lập đến nay (4/2015), PV GAS đã đóng góp doanh thu cho ngành Dầu khí hơn 475.000 tỷ VNĐ, nộp Ngân sách Nhà nước gần 51.000 tỷ VNĐ; đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội trung bình 100 tỷ đồng mỗi năm trên địa bàn cả nước. PV GAS là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành Dầu khí về tổng doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận. Trong 5 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng bình quân về các chỉ tiêu chính như doanh thu 8%, nộp ngân sách 9%, Lợi nhuận trước thuế 20%.

img

Những công trình khí của ngày hôm nay

Với mục tiêu đưa loại nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường đến tay người tiêu dùng, công tác đầu tư xây dựng được đẩy mạnh, đặc biệt trong giai đoạn 2010 – 2015. Các dự án lớn, quan trọng lần lượt được hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng tiến độ, đảm bảo chất lượng, từng bước phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp khí Việt Nam. Đáng chú ý nhất là việc PV GAS đã đưa vào vận hành thành công các nguồn khí/dự án mới bổ sung như mỏ Tê Giác Trắng, Chim Sáo, Hải Thạch - Mộc Tinh, kho LPG lạnh Thị Vải... góp phần quan trọng trong việc tăng sản lượng khí, chủ động nguồn cung và bình ổn thị trường LPG. PV GAS và các đơn vị thành viên cũng đã và đang thực hiện các dự án cung cấp khí thấp áp, khí thiên nhiên nén (CNG) cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ; cung cấp CNG cho các phương tiện giao thông vận tải; xuất khẩu LPG sang Campuchia, Malaysia, Philippines, Bangladesh,… và kinh doanh quốc tế với nhiều đối tác nước ngoài khác; phát triển ứng dụng hệ thống cung cấp LPG trung tâm cho các khu đô thị mới và chung cư cao tầng. Các dự án này góp phần đa dạng hóa các hình thức sử dụng khí, mở rộng thị trường tiêu thụ khí và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay PV GAS đã bao quát hầu hết các hoạt động thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh khí và các sản phẩm khí của ngành công nghiệp Khí Việt Nam; vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được vinh danh ở nhiều cuộc bình chọn giải thưởng có uy tín nhất quốc gia, nhận nhiều bằng khen của các cấp bộ, ngành, địa phương trong nhiều năm qua.

-Từ điểm đến 20 năm kể từ khi dòng khí đầu tiên vào bờ này, xin ông cho biết những định hướng cho tương lai ngành công nghiệp Khí?

Theo kế hoạch 5 năm 2016-2020, PV GAS có mục tiêu: Phát triển Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP thành Doanh nghiệp khí mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom - xuất nhập khẩu - vận chuyển - chế biến/chế biến sâu - tàng trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn; tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí trên toàn quốc và tham gia tích cực thị trường quốc tế.

Bản đồ Khí Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi, mở rộng và từng bước phát triển vững chắc. Tương lai của PV GAS vẫn luôn xứng đáng với rất nhiều ước vọng và nỗ lực của mỗi CBCNV, sự đồng hành tin tưởng của các cổ đông đối với ngành công nghiệp khí quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem