Đá cho vui, ai ngờ…
Mấy năm trước, chứng kiến Châm tung hoành trên sân cỏ, nhiều người ngẩn ngơ: Không biết con gái nhà ai da trắng, má hồng duyên dáng thế mà lại cho đi đá bóng: “Từ nhỏ em phơi nắng cả ngày cùng bạn bè vào những ngày hè, không mũ nón gì nhưng chẳng thấy bị đen. Sau này vẫn thế, chứ làm gì có thời gian trang điểm cầu kỳ” -Châm vui vẻ nói.
Cũng vì không sợ… đen, nên vào một trưa hè cách đây hơn chục năm sau khi đọc thông tin tuyển sinh trên báo Hoa Học Trò, Châm quyết định cùng một nhóm bạn đạp xe từ nhà ở Gia Lâm đến Trường 10-10 tập bóng đá 2 buổi/tuần cho vui.
Ai ngờ, càng chơi bóng, Châm càng mê. Có những hôm xe bị thủng lốp, không có tiền vá phải dắt bộ về nhà mà vẫn lâng lâng sung sướng vì mải nghĩ tới pha ghi bàn đẹp mắt trong buổi tập. Và khi bắt đầu mơ tới ngày được khoác lên mình chiếc áo ĐTQG như các “đàn chị” Hiền Lương, Minh Nguyệt, Thúy Nga, Nguyễn Thị Hà… cũng là lúc cô học trò giỏi Ngọc Châm quyết định rẽ ngang.
Đến giờ, Châm vẫn nhớ như in cái ngày 9.12.1999 – ngày nhập Trường Thể thao văn hóa Sóc Sơn. Đó cũng được coi như “ngày sinh nhật của đội” - những người bạn luôn ở bên chia sẻ với nhau mọi vị ngọt và trái đắng từ những bước đi đầu tiên của đời nữ cầu thủ lắm chông gai.
Vượt qua ám ảnh chấn thương
Những ai có mặt trên sân Lạch Tray cách đây gần 8 năm đều chưa thể quên hình ảnh Ngọc Châm ngồi lặng lẽ trên khán đài, hồi hộp theo dõi từng pha bóng trong trận chung kết SEA Games 2003 giữa VN-Myanmar. Để rồi khi thầy trò HLV Mai Đức Chung vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, Châm đã khóc.
Mừng cho đội tuyển đã đành, cô gái mới 18 tuổi lúc đó cũng không giấu nổi nỗi buồn khi không được sát cánh cùng đồng đội bước lên đỉnh cao khu vực vì chấn thương đứt dây chằng gối trái ngay trước giờ khai cuộc.
|
Ngọc Châm trong màu áo Đội tuyển nữ Việt Nam. |
Thời gian dài sau đó, Châm chỉ biết âm thầm tự tập ở SVĐ Hàng Đẫy bằng niềm tin. Cứ hết đau, Châm lại đi đá “phủi” cùng những người quen ở sân Nhà máy nước, Hoàng Cầu, Thủy Lợi… cho đỡ nhớ bóng. Nhưng tất cả những cố gắng ấy cũng chỉ có thể giúp Châm dự một kỳ SEA Games duy nhất năm 2007-giải đấu mà VN đã thua chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết.
Còn SEA Games 2005, 2009 khi đội tuyển nữ VN vô địch, Châm đều lỡ hẹn vì tái phát chấn thương. Phần thưởng lớn nhất của Châm chính là Quả bóng vàng 2008: “Đời cầu thủ một lần được bóng vàng đã là mãn nguyện. Trong những lúc suy sụp nhất vì chấn thương hành hạ, tôi cũng chưa bao giờ tiếc nuối vì đã đến với bóng đá. Sân cỏ đã mang lại cho tôi những xúc cảm, trải nghiệm đặc biệt về cuộc sống” - Châm tâm sự.
Hạnh phúc khi làm “quân xanh”
Đồng cảm sâu sắc với những khó khăn, nhọc nhằn mà các VĐV đang phải đối mặt, Ngọc Châm khát khao góp tiếng nói để thể thao nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía xã hội: Cải thiện đời sống cho VĐV (lương cầu thủ nữ là 1-2 triệu đồng/tháng), giải quyết việc làm cho VĐV sau khi nghỉ thi đấu, hỗ trợ điều trị chấn thương... Việc nữ tuyển thủ Kim Hồng mới đây phải trải qua những ngày đầy sóng gió, và phải nhờ dư luận lên tiếng mới gom đủ tiền sang Singapore phẫu thuật chấn thương thành công hôm 2.6 là ví dụ nóng hổi.
Giá như trước đây, Châm sớm được phẫu thuật, thì đâu đến nỗi phải sớm “treo giày” khi đang ở vào độ chín của sự nghiệp.
Giờ ở tuổi 26, Châm chỉ còn biết tìm lại chính mình trong những buổi tập cùng các “đàn em” ở đội Hà Nội.TA I: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn được gắn bó với trái bóng. Mỗi khi vào vai “quân xanh” đấu tập cũng nguôi ngoai nỗi nhớ sân cỏ. Máu bóng đá trong tôi vẫn còn nhiều lắm, chưa thể dứt ra được. Hy vọng năm nay, Hà Nội.TA I sẽ vô địch QG” - Ngọc Châm ao ước.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.