Quá khứ bừng dậy từ những lá thư: Ký ức ngày chiến thắng

Lê Huyền Thứ sáu, ngày 24/04/2015 06:29 AM (GMT+7)
“Thời chiến, các gia đình không có cách nào liên lạc với nhau ngoài thư từ. Trong mỗi lá thư, ngoài tình cảm dạt dào yêu thương của người trong cuộc dành cho nhau còn chứa đựng nguồn sử liệu quan trọng về lịch sử của đất nước”- thượng tá Trần Thanh Hằng (nguyên cán bộ sưu tầm- Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) đánh giá.
Bình luận 0

Trong số hơn 1.000 bức thư mà bác sĩ Lương Ngọc Thư - vợ cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh còn giữ được, có một lá thư vô cùng quan trọng đề ngày 15.5.1975. Lá thư này chan chứa cảm xúc ngày chiến thắng, đồng thời cũng đưa ra những chi tiết lịch sử chưa từng được ghi chép.

Những lá thư cất giữ trong hòm đạn

Người có công “khai quật” bức thư ngày 15.5.1975 là thượng tá Trần Thanh Hằng. Với thượng tá Hằng, dùng từ “khai quật” bức thư là hình ảnh chính xác bởi trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, những lá thư của ông bà gửi cho nhau đều được bà Thư bảo quản bằng cách sắp xếp phẳng phiu cho vào hòm đạn và chôn dưới đất. Vào dịp 30.4.2005, trong một lần đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến của các tướng lĩnh, thượng tá Hằng mới có dịp tiếp cận kho thư này. Và chỉ sau khi Thượng tướng Lê Ngọc Hiền qua đời (2006), lá thư mới được công bố.

img
Bà Trần Thanh Hằng nói chuyện về những bức thư với bà Lương Ngọc Thư (trái).  l.H

Tay run run cầm lá thư, bà Lương Ngọc Thư vẫn nhớ từng dòng. Thư ông bắt đầu bằng cảm xúc mãnh liệt: “Tuy trước khi tấn công vào Sài Gòn, đã biết chắc rằng nhất định bộ đội ta sẽ thắng 100% (…) chúng sẽ phải đầu hàng thôi, thế mà đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ tới anh em cán bộ hãy còn trẻ mọi người đều ôm chầm lấy nhau mừng tủi (…) thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào”.

Cũng trong bức thư có một thông tin đặc biệt: “Đánh chiến dịch mang tên Bác Hồ mà anh đã suy nghĩ nhiều trước khi đề nghị chiến dịch được mang tên Bác và được các anh ở trên chấp nhận ngay”... Theo thượng tá Hằng, qua đoạn thư này có thể hiểu rằng, ông Lê Ngọc Hiền chính là một trong những người đầu tiên đề xuất ý tưởng đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh trong một cuộc họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch và được tất cả các đồng chí dự họp nhất trí, sau đó đề xuất này được Bộ Chính trị nhất trí.

Giữ thư bằng cả mạng sống

Ông Hiền và bà Thư bắt đầu viết thư cho nhau từ năm 1952, thời điểm hai người mới yêu nhau. Kể từ đó đến năm 1986, ông kết thúc nhiệm vụ ở Campuchia về Hà Nội, sống cùng nhau thì dòng thư mới ngừng.

Quay trở lại suốt quãng thời gian chiến tranh, bà Thư kể, ông bà có 3 con, lần nào bà cũng vượt cạn một mình. Đó là thời kỳ cả nước khó khăn, gian khổ, nhưng đối với những người có chồng đi chiến trường thì gian khổ còn gấp bội. Là y sĩ sản khoa, mặc dù con đầu mới 4 tuổi, lại đang mang thai bà vẫn chấp hành lệnh điều động đi công tác ở mỏ Apatit Lào Cai. Ở đây nữ công nhân mỏ sảy thai nhiều, bà đã tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục. Để con không bị suy dinh dưỡng, bà phải nhờ người trông con, đi bắt tôm tép giã ra nấu bột cho con. Con gái đầu của ông bà là Lê Ngọc Mai có đợt ốm nặng tưởng chết, nhưng rồi may mắn qua khỏi… Tất cả những khó khăn tới mức khắc nghiệt ấy bà không dám viết thư báo cho ông vì sợ ông lo lắng chuyện nhà.

Nhắc tới đây, bà chậm rãi chia sẻ: “Anh làm tham mưu, giữ bí mật công tác, về nhà không nói bất cứ công việc gì với vợ con. Anh ở miền Nam cả chục năm, tôi là vợ nhưng cũng không biết anh ở đâu. Chỉ biết còn thư về là anh còn sống. Với tôi, thư từ lúc đó là lẽ sống”. Cũng vì là lẽ sống nên bà giữ thư rất cẩn thận, có nhiều thư thì bà cho vào hòm đạn, còn nếu chỉ có vài lá thì bà luôn mang theo người với tâm niệm “người còn thì thư còn, người mất thì thư cũng mất”. Những đợt Hà Nội bị ném bom, xung quanh bà rất nhiều người chết. Giữa bom đạn và máu lửa ấy, bà vẫn không rời những lá thư.

Khi được bà Thư tin tưởng cho đọc các bức thư của ông bà gửi cho nhau, thượng tá Hằng đã nói với bà rằng đây không chỉ còn là chuyện riêng của hai người mà là cần được tập hợp lại thành một cuốn sách để nhiều người được đọc và chia sẻ. Bà Thư đồng ý và sau hơn một năm ngày ông đi xa, bà đã dành trọn vẹn tình cảm của mình để viết xong cuốn sách “Anh và Thư”.

 “Nói thật với em (...) lúc thắng chiến dịch này thì mất nhiều đêm không ngủ được, không ăn được nữa, người bâng khuâng lạ thường. Anh nghĩ tới gì? Nghĩ tới Bác Hồ không còn sống nữa để tự người thấy giờ phút vinh quang này của con cháu đã thực hiện đúng như ý nguyện và di chúc của Bác”.
(trích thư của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền gửi vợ)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem